Chúng ta đã quen với các chỉ số như VNIndex, VN30 đại diện cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhưng còn một bộ chỉ số nữa cũng rất quan trọng đó là chỉ số MSCI. Tuy nó không đại diện cho thị trường nhưng nó được tạo bởi công ty có nhiều năm kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán cả trong nước lẫn ngoài nước.
Nội dung bài viết
Chỉ số MSCI là gì?
MSCI có tên viết tắt tiếng anh “Morgan Stanley Capital International”. Đây là một công ty nghiên cứu dữ liệu đầu tư, cung cấp các công cụ, dịch vụ về rủi ro và lợi nhuận. Ngoài ra, tổ chức này còn xây dựng hiệu quả danh mục đầu tư cho nhà đầu tư tổ chức hay các quỹ phòng hộ.
Ban đầu, công ty Morgan Stanley Capital International ra mắt trên thị trường quốc tế một số chỉ số chứng khoán. Sau đó, công ty này mua lại Barra (một công ty chuyên phân tích danh mục và quản lý rủi ro) và tạo ra một công ty mới có tên là MSCI Barra. Công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán New York với mã chứng khoán cùng tên bộ chỉ số là MSCI.
Bộ chỉ số MSCI sẽ có những tiêu chuẩn riêng khi đưa bất kỳ một cổ phiếu nào đó vào trong bộ chỉ số này.
Các nhóm thị trường mà chỉ số MSCI tập trung
MSCI đang có trong tay hơn 160.000 chỉ số chứng khoán khác nhau trên toàn thế giới. Tập hợp từ các khu vực địa lý khác nhau, vốn hóa khác nhau và chúng được phân ra thành 3 nhóm thị trường chủ yếu sau:
1. Nhóm phát triển kinh tế
Đầu tiên là nhóm tiêu chí về sự phát triển kinh tế. Nhóm này tập trung vào các doanh nghiệp ở các thị trường phát triển, không bao gồm thị trường cận biên và thị trường mới nổi.
2. Nhóm quy mô và thanh khoản thị trường
Nhóm này tập trung vào các doanh nghiệp với quy mô vốn hóa lớn và độ thanh khoản cực kỳ cao thậm chí mang tầm cỡ khu vực hoặc thế giới mới đáp ứng được các tiêu chuẩn của bộ chỉ số MSCI World Indices.
3. Nhóm khả năng tiếp cận thị trường
Dựa trên các phương pháp định tính khác nhau của bộ chỉ số nhưng áp dụng chung cho tất cả các thị trường để đưa doanh nghiệp vào nhóm khả năng tiếp cận thị trường.
Đặc điểm của chỉ số MSCI
1. Chỉ số thị trường mới nổi của MSCI
MSCI EM Index là một trong những chỉ số nổi tiếng nhất của MSCI. Chỉ số này chủ yếu theo dõi hoạt động của thị trường chứng khoán ở một số quốc gia và các khu vực phát triển.
MSCI EM Index bao gồm các cổ phiếu đến từ 24 thị trường mới nổi bao gồm Brazil, Chile, Trung Quốc, Colombia, Cộng hòa Séc, Hy Lạp, Hungary, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Mexico, Peru, Philippines, Ba Lan, Qatar, Nga và Nam Phi, Đài Loan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Chỉ số MSCI EM này đại diện cho 10% khối lượng giao dịch toàn cầu và chúng được sử dụng làm tiêu chuẩn cơ bản cho các quỹ đầu tư tại các thị trường mới nổi.
2. Chỉ số thị trường cận biên của MSCI
Chỉ số này tập trung vào 28 thị trường chứng khoán ở châu Á, bao gồm các nước như Kuwait, Việt Nam, Morocco, Lebanon, Kenya, Bahrain và một số quốc gia khác đến từ khu vực Trung Đông, Châu Phi, Nam Mỹ và Châu Âu.
3. Chỉ số ACWI
Chỉ với hơn 3.000 mã cổ phiếu trong bộ chỉ số ACWI nhưng đây là bộ chỉ số có số vốn chủ sở hữu hàng đầu của công ty. Bộ chỉ số này chủ yếu theo dõi hiệu suất của các doanh nghiệp có vốn hóa nhỏ đến từ 23 thị trường chứng khoán phát triển và 26 thị trường mới nổi.
4. Chỉ số EAFE của MSCI
Chỉ số EAFE là viết tắt của Europe, Australasia, and the Far East.
Đây là bộ chỉ số chứng khoán lâu đời nhất của công ty MSCI, chúng liệt kê 918 cổ phiếu từ 21 đất nước ở thị trường tăng trưởng (loại trừ Canada và Mỹ ra). Bộ chỉ số EAFE được xem như một chuẩn mực của thị trường vốn bằng cách so sánh hiệu suất của các quỹ đầu tư với chỉ số EAFE này để xác định xem chúng có đang tăng thêm giá trị cho danh mục đầu tư của khách hàng hay không.
Cũng giống như việc chúng ta mang danh mục đầu tư của mình để so sánh với sự tăng giảm của chỉ số VNIndex vậy.
Top 10 cổ phiếu lớn nhất danh mục MSCI Frontier Markets Index
MSCI Frontier Markets Index đại diện cho các doanh nghiệp có vốn hóa lớn và trung bình trở lại tại các quốc gia đó. Trong đó, Việt Nam là quốc gia chiếm tỷ trọng nhiều nhất trong danh mục này với sự góp mặt của 5 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam chiếm tỷ trọng 28,45%. Tiếp đến là Morocco chiếm 10,35%; Bahrain chiếm 8,75%; Iceland chiếm 7,59%; Romania chiếm 6,36%. Phần còn lại là của các quốc gia khác chiếm 28,51%.
Tên công ty | Quốc gia | Tỷ trọng | Ngành nghề |
---|---|---|---|
AHLI UNITED BANK | BH | 6,94% | Tài chính |
HOA PHAT GROUP JSC | VN | 3,80% | Vật liệu cơ bản |
VINHOMES JSC | VN | 3,79% | Bất động sản |
VINGROUP JSC | VN | 3,75% | Đa ngành |
MAREL | IS | 3,16% | Công nghiệp |
SAFARICOM | KE | 3,10% | Viễn thông |
KASPI.KZ GDR | KZ | 3,05% | Tài chính |
BANCA TRANSILVANIA | RO | 3,01% | Tài chính |
MASAN GROUP CORP | VN | 2,79% | Hàng tiêu dùng |
NOVALAND INV GROUP | VN | 2,64% | Bất động sản |
Các lưu ý đối với MSCI
- Đối với chỉ số MSCI thì vốn hóa thị trường là giá cổ phiếu nhân với tổng số cổ phiếu đang lưu hành.
- Các cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất chiếm tỷ trọng cao nhất trong danh mục này. Điều này để phản cho việc các doanh nghiệp này chi phối nền kinh tế của quốc gia đó nhiều hơn các doanh nghiệp có vốn hóa nhỏ.
- Do đó, giá cổ phiếu có vốn hóa lớn thay đổi sẽ ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả của bộ chỉ số hơn các doanh nghiệp có vốn hóa nhỏ hơn trong bộ chỉ số MSCI.
- Các doanh nghiệp có trong bộ chỉ số sẽ được xem xét lại mỗi quý và được cơ cấu lại danh mục đầu tư 2 lần/năm. Do đó, sẽ có cổ phiếu được loại ra và thêm vào để đảm bảo được tính khách quan và chính xác của bộ chỉ số.
- Khi các cổ phiếu trong bộ chỉ số MSCI có sự thay đổi thì các quỹ ETF và quỹ tương hỗ gắn với bộ chỉ số này cũng phải điều chỉnh thay đổi theo để phản ánh hiệu suất đầu tư.