Ủy thác đầu tư là gì

Ủy thác đầu tư là gì? Không nên ủy thác khi chưa biết điều này

Năm 2020, 2021 trải qua giai đoạn thăng hoa của thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhiều hình thức đầu tư bắt đầu nở rộ trong đó có ủy thác đầu tư. Vậy ủy thác đầu tư là gì, tại sao nhiều người lại lựa chọn hình thức đầu tư này? Bên cạnh đó, rủi ro của hình thức đầu tư ủy thác này cũng cục kỳ lớn nếu như bạn không hiểu được bản chất của loại hình đầu tư này.

Ủy thác đầu tư là gì?

Ủy thác đầu tư là một hình thức mà bạn ủy thác vốn của mình cho một pháp nhân khác thực hiện vai trò đầu tư. Bạn bỏ tiền được gọi là người ủy thác, người nhận tiền thay bạn đầu tư được gọi là người nhận ủy thác.

Pháp nhân này sẽ dùng tiền của bạn để mang đi đầu tư có thể đầu tư bất động, các sản phẩm tài chính được niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, ít ai lại đi ủy thác cho việc đầu tư bất động sản mà thường sẽ ủy thác đầu tư tài chính là nhiều.

Ủy thác đầu tư trong tiếng Anh được viết là Investment Trust.

Luật chứng khoán quy định như thế nào về ủy thác đầu tư?

Pháp luật Việt Nam mình chưa có những quy định rõ ràng về việc ủy thác đầu tư. Tuy nhiên, để nhận được ủy thác đầu tư thì pháp nhân đó phải là tổ chức với vai trò là một quỹ đầu tư. Chúng ta thường hay mua các chứng chỉ quỹ của các quỹ mở cũng được coi là một hình thức ủy thác đầu tư như vậy. Điểm mấu chốt của việc nhận ủy thác là không cam kết lãi suất nhận được thì mới hợp pháp.

Còn việc cá nhân đứng ra nhận ủy thác vốn từ người khác để đầu tư tài chính là hoàn toàn không được pháp luật công nhận.

Tuy nhiên, chính vì sự lỏng lẽo trong việc quản lý vấn đề này nên nhiều cá nhân vẫn nhận ủy thác đầu tư từ người khác. Các cá nhân này đa số là những người có nhiều kinh nghiệm đầu tư trên thị trường, cũng như tạo được nhiều niềm tin trong một cộng đồng tài chính nào đó.

Nếu cá nhân đó có thể giúp cho người khác kiếm được tiền từ chuyên môn của mình thì chưa đến mức bị xã hội lên án nên vẫn tồn tại một cách tạm thời chấp nhận được. Tuy nhiên, mình không ủng hộ cho các hoạt động kêu gọi vốn bất hợp pháp để đầu tư vào các sản phẩm tài chính chưa được pháp luật Việt Nam công nhận như forex, chứng khoán quốc tế, tiền ảo, BO…

Ưu và nhược điểm của ủy thác đầu tư

Ưu và nhược điểm của đầu tư ủy thác
Ưu và nhược điểm của đầu tư ủy thác

1. Ưu điểm của ủy thác đầu tư

Ở góc cạnh bài viết này thì mình chỉ đề cập đến việc ủy thác đầu tư hợp pháp và nó cũng có những ưu điểm nhất định.

Thứ nhất, việc ủy thác đầu tư giúp cho người có vốn nhàn rỗi có thể đẩy lượng tiền ra lưu thông, giúp gia tăng hoạt động sản xuất và tạo ra của cải vật chất thay vì cất tiền mặt trong két sắt hoặc gửi tiết kiệm ngân hàng.

Thứ hai, việc ủy thác đầu tư sẽ giúp người có vốn có thể tối ưu hóa được lợi nhuận của mình. Không cần phải có nhiều kinh nghiệm, kiến thức để tham gia đầu tư. Vì đã có những người có nhiều kinh nghiệm làm giúp mình việc đó, đương nhiên là có trả phí nhưng hiệu quả đầu tư sẽ tốt hơn người không có chuyên môn.

2. Nhược điểm của ủy thác đầu tư

Không có kênh đầu tư nào mà không có nhược điểm cả và đầu tư ủy thác cũng vậy. Hình thức này cũng có những nhược điểm đáng chú ý sau:

  • Đối diện với những trường hợp kêu gọi vốn nhằm mục đích trục lợi hoặc đầu tư bất hợp pháp. Làm mất tiền oan của nhà đầu tư, việc này đã xảy ra rất nhiều lần tại Việt Nam rồi.
  • Sẽ tốn chi phí cho việc giao người khác đầu tư. Không ai làm không công cho ai cái gì cả, do đó nếu muốn người khác đầu tư giúp bạn thì bạn phải chịu trả một loại chi phí nó được gọi là chi phí quản lý tài sản. Hoặc cũng tùy thỏa thuận giữa bạn và bên nhận ủy thác đầu tư.
  • Bạn bị phụ thuộc quá nhiều vào người khác trong việc đầu tư tài chính. Nếu bạn không có thời gian cho việc đầu tư do bạn có một công việc kiếm tiền khác thì cũng chấp nhận được.

Các hình thức ủy thác đầu tư hiện nay

1. Quỹ đầu tư nhận ủy thác đầu tư

Như mình có đề cập ở trên là chỉ có các tổ chức như quỹ đầu tư mới đủ pháp lý để nhận được ủy thác đầu tư. Hình thức này sẽ kêu gọi vốn từ nhà đầu tư thông qua việc bán các chứng chỉ quỹ. Các quỹ này đa số sẽ là các quỹ mở để mở cửa tiếp cận được nhiều vốn càng tốt.

Cũng có một số quỹ đóng cũng nhận ủy thác đầu tư. Do bản chất là quỹ đóng nên thường chỉ gói gọi ở các tổ chức hoặc nhà đầu tư cá nhân có vốn cực kỳ lớn mới tiếp cận được hình thức đầu tư này.

2. Cá nhân nhận ủy thác đầu tư

Hình thức một cá nhân đứng ra nhận ủy thác đầu tư hoạt động rất sôi động tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Việc bạn ủy thác này thì bạn với người nhận ủy thác đó sẽ tự thỏa thuận về mức đền bù rủi ro cũng như lợi nhuận chia sẻ như thế nào. Tương tự như câu chuyện bạn có vốn, tôi có kinh nghiệm hợp tác 2 bên cũng có lợi vậy.

Đến bước này nhiều bạn sẽ thắc mắc tại sao cá nhân họ giỏi vậy mà không bán nhà rủ bà con mà đầu tư lại đi nhận ủy thác làm gì. Câu hỏi này xuất hiện nhan nhãn trên các cộng đồng tài chính trên các nền tảng mạng xã hội.

Mình không có nhận ủy thác đầu tư nhưng đứng trên góc độ của một người làm trong ngành tư vấn đầu tư. Mình không đồng tình với quan điểm đầu tư lời vậy sao không rủ họ hàng đầu tư. Việc một người chỉ làm tốt vai trò đầu tư khi họ tách bạch được tâm lý gia đình với hoạt động đầu tư.

Việc bị ảnh hưởng tâm lý đầu tư sẽ khiến cho người đầu tư đưa ra những quyết định thiếu sáng suốt, không đi từ yếu tố khách quan của vấn đề.

3. Ngân hàng nhận ủy thác đầu tư

Xét về góc độ định nghĩa thì ngân hàng không thể được coi là hoạt động ủy thác đầu tư. Tuy nhiên, mình cũng sẽ đưa vào vì hình thức hoạt động của ngân hàng cũng hao hao ủy thác đầu tư. Và mình lấy ví dụ cũng dễ hiểu hơn cho bạn đọc.

Ở đó, bạn sẽ gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng, ngân hàng sẽ dùng vốn đó đi đầu tư cụ thể là cho người khác vay lại để kiếm lợi nhuận. Trong một số trường hợp ngân hàng cũng dùng tiền của người gửi để mua các trái phiếu doanh nghiệp để tạo ra lợi nhuận chênh lệch.

Và ngân hàng sẽ thỏa thuận với bạn rằng bạn đưa tiền cho tôi, tôi sẽ trả cho bạn lãi suất cam kết là 6%/năm.

Những rủi ro khi tham gia đầu tư ủy thác

Những rủi ro khi tham gia đầu tư ủy thác
Những rủi ro khi tham gia đầu tư ủy thác
  • Rủi ro mất tiền

Rủi ro mất tiền là một trong những rủi ro tiềm ẩn và luôn thường trực nhất trong việc đầu tư. Bất kể là bạn đi theo trường phái đầu tư chủ động hay đầu tư thụ động qua việc ủy thác thì rủi ro mất tiền luôn luôn có. Một phần là mất tiền do đầu tư thua lỗ một phần cũng lý do gặp phải những đối tượng lừa đảo.

  • Rủi ro thuế, phí

Không phải bạn ủy thác cho người khác là bạn tránh được các khoản thuế thu nhập. Bạn vẫn bị chịu thuế thu nhập cá nhân và phí cho đội ngũ nhận ủy thác như bình thường. Và khi đầu tư bạn phải cân nhắc thêm việc trừ lợi tức đầu tư cho phần thuế, phí này.

  • Rủi ro pháp lý

Như mình có nói ở trên, việc ủy thác đầu tư thì pháp luật Việt Nam còn nhiều lỗ hổng. Do đó, khi xảy ra kiện tụng rất khó để bạn được pháp luật đứng ra bảo vệ dù cho có hợp đồng hẳn hoi. Trừ việc hoạt động ủy thác của các quỹ đầu tư lớn.

Đầu tư ủy thác thì cần quan tâm điều gì?

Do đó, để tránh được những rủi ro không cần thiết khi tham gia đầu tư ủy thác thì nhà đầu tư cần quan tâm đến những yếu tố sau trước khi quyết định xuống tiền đầu tư:

  1. Lựa chọn công ty nhận ủy thác uy tín, lớn và có pháp nhân hẳn hoi. Việc một công ty, tổ chức có tiềm lực tài chính lớn thông qua vốn điều lệ, lịch sử đầu tư có lợi nhuận ổn định phải đặt lên đầu khi lựa chọn nơi ủy thác.
  2. Nên rõ ràng trong việc tiền của bạn được đầu tư vào những danh mục đầu tư cụ thể nào. Như chỉ đầu tư chứng khoán, phái sinh… với tỷ trọng cụ thể bao nhiêu. Đặc biệt, không nên ủy thác đầu tư cho các danh mục bị cấm bởi pháp luật Việt Nam như tiền mã hóa, forex…
  3. Chỉ ủy thác cho bên nhận ủy thác các quyền hạn trong khuôn khổ. Tránh việc đặt trọn niềm tin và ủy thác toàn quyền cho bên sử dụng vốn. Khi thị trường tốt thì không sao nhưng khi “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” thì không biết được chuyện gì sẽ xảy ra.

Người mới có nên tham gia đầu tư ủy thác không?

Theo mình, người mới chỉ nên tham gia đầu tư ủy thác thông qua việc mua các chứng chỉ quỹ của các quỹ đầu tư mở có tiếng trên thị trường Việt Nam. Không nên tham gia ủy thác đầu tư giữa các cá nhân với nhau hoặc ủy thác cho các tổ chức mập mờ trong pháp lý.

Còn nếu như bạn muốn trải nghiệm đầu tư tài chính thì bạn có thể tự thiết kế danh mục đầu tư cho bản thân mình. Ở đó, người môi giới chỉ đóng vai trò tư vấn. Còn bạn sẽ tham khảo sự tư vấn đó để ra các quyết định đầu tư.

Nhà đầu tư chuyên nghiệp trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán tại Việt Nam. Rất mong là với những kiến thức mà mình chia sẻ có thể giúp được phần nào cho những nhà đầu tư mới.

Đăng ký
Notify of
guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận