Các ứng dụng miễn phí đang kiếm tiền như thế nào?

Ứng dụng miễn phí đang kiếm tiền từ bạn như thế nào?

Có bao giờ bạn tự đặt câu hỏi rằng các ứng dụng miễn phí kiếm tiền như thế nào khi mà bạn chỉ cần lên trên CH Play hoặc App Store là có thể tải về và sử dụng. Thật ra thì chúng không hề miễn phí như bạn nghĩ đâu, chúng đang lấy tiền của bạn một cách gián tiếp mà bạn không hề nhận ra đó.

Dưới đây là những cách mà một ứng dụng miễn phí có thể kiếm được tiền:

Tiền đặt quảng cáo

Quá quen rồi phải không, khi bạn mở ứng dụng lên rồi thấy các popup quảng cáo hoặc các quảng cáo cố định ở mép dưới màn hình. Khi bạn sử dụng ứng dụng này có nghĩa rằng bạn xem quảng cáo. Một khi đã xem quảng cáo thì nhiều khả năng sẽ bị tác động và mua hàng.

Đơn vị bán hàng sẽ trả tiền quảng cáo lại cho Google Adsense (hoặc một đơn vị phân phối quảng cáo nào đó), rồi Google sẽ chi tiền lại cho các ứng dụng miễn phí này.

Người dùng mua hàng trong ứng dụng (In-App Purchase)

Thường thì các game sẽ áp dụng mô hình kiếm tiền này nhiều hơn. Chẳng hạn như bạn đang chơi game nhưng cần phải trang bị các vật phẩm để nâng cao sức chiến đấu. Cho nên bạn phải bỏ tiền ra để mua các vật phẩm này, đây là khoản tiền mà nhà phát hành thu trực tiếp từ bạn luôn.

Bạn mua hàng và thanh toán ngay trong game hoặc trong store. Đương nhiên là cứ mỗi lần bạn chi trả mua một thứ gì đó thì nhà phát hành game phải chi trả hoa hồng lại cho CH Play và App Store. Con số này giao động từ 15 – 30% khoản thanh toán từ người dùng.

Đăng ký gói thuê bao người dùng (Subscription)

Điển hình nhất cho loại kiếm tiền này có thể kể đến như ứng dụng Spotify. Bạn chi trả tiền thuê bao mỗi tháng để có thể dùng được full tính năng của ứng dụng. Gói thuê bao không quảng cáo mà Spotify đang thu người dùng cơ bản là 59.000 đ/tháng.

Bạn đừng nghĩ con số này nhỏ vì giá của nó chỉ bằng 1 ly trà sữa nhưng cơ chế của loại hình Subscription này là nó đang bào mòn tiền của bạn đều đặn mỗi tháng.

Các khoản tài trợ của các nhãn hàng

Cũng tương tự như quảng cáo nhưng quảng cáo đến từ các khoản tài trợ của nhãn hàng sẽ ẩn nấp một cách bí mật hơn. Tức là nhãn hàng sẽ liên hệ trực tiếp bên phát hành ứng dụng, nhờ họ lồng ghép nhãn hàng vào các nội dung có trong ứng dụng.

Cái này hay ho một chỗ là trước tiên nó sẽ cung cấp thông tin bổ ích cho người dùng sau đó mới hướng người dùng đến các nhãn nhãn hàng đó một cách tự nhiên.

Ví dụ như các ứng dụng đọc báo, một số ứng dụng này không có quảng cáo Adsense nhưng một số bài viết có nhận được tài trợ từ các nhãn hàng.

Kinh doanh các sản phẩm trực tuyến

Ứng dụng bán hàng trực tuyến
Ứng dụng bán hàng trực tuyến

Các ứng dụng tự bán hàng

Nếu ứng dụng hoạt động như một ứng dụng bán hàng thì không có gì phải khó hiểu rồi. Thường thì các ứng dụng này sẽ không có quảng cáo cũng như không có các gói đăng ký thuê bao tháng mà doanh thu chính đến từ hoạt động bán hàng.

Các ứng dụng cung cấp giải pháp tài chính

Điển hình cho mô hình kinh doanh này là các ví điện tử MoMo, Zalopay… Bạn có thấy chúng thu tiền gì từ bạn không? Không, thậm chí là còn áp dụng nhiều voucher giảm giá nữa là đằng khác.

Các ví điện tử này sẽ làm vai trò trung gian thanh toán giữa bạn và các công ty tài chính, ngân hàng, dịch vụ tiện ích. Cứ mỗi 1 lần bạn thanh toán thì bên thứ 3 kia sẽ trích lại một phần nhỏ hoa hồng để trả lại cho ví điện tử vì đã giúp họ thu tiền.

2 ứng dụng hoạt động song song

Mặc dù bạn ít thấy nhưng chúng vẫn tồn tại. Có bao giờ bạn để ý trên CH Play hoặc App Store tồn lại 2 ứng dụng song song. Thường chúng sẽ được đặt tên là “ứng dụng A” và “ứng dụng A Pro”.

Cách đặt tên như thế này để ám chỉ có một ứng dụng bình thường và một ứng dụng cao cấp hơn nữa. “Ứng dụng A” sẽ đóng vai trò tìm kiếm người dùng vào sử dụng, sau đó thuyết phục người dùng chuyển sang “ứng dụng A Pro” để có nhiều cái hay ho hơn. Đương nhiên là Pro thì không thể miễn phí được.

Huy động vốn từ cộng đồng

Một số ứng dụng bạn sẽ thấy chúng hoàn toàn miễn phí từ A đến Z. Không quảng cáo, không nhà tài trợ, không có gói đăng ký thuê bao vậy chúng lấy tiền đâu mà vận hành ứng dụng.

Không đơn giản như bạn nghĩ đâu, bởi vì nhà phát hành chưa muốn khai thác kiếm tiền ở giai đoạn này thôi. Họ đang muốn thu hút người dùng trước, cứ kéo người dùng vào đã rồi từ từ khai thác sau. Chỉ cần có người dùng thì sau này tha hồ kiếm được tiền.

Để có tiền trong giai đoạn phát triển này thì thường các chủ ứng dụng sẽ gọi vốn trên các nền tảng kêu gọi vốn từ cộng đồng. Hoặc vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm nào đó hoặc cũng có thể là đang đốt tiền của chính nhà phát hành.

Thu thập và bán dữ liệu người dùng cho bên thứ 3

Đây là cách kiếm tiền dựa trên dữ liệu người dùng. Thành thật mà nói thì mình không đồng tình với cách kiếm tiền này lắm. Việc bán dữ liệu cho bên thứ 3 giống như việc đang bán thông tin cá nhân của người khác vậy. Đó là vi phạm pháp luật.

Do đó, khi sử dụng các ứng dụng miễn phí không rõ nguồn gốc thì bạn nên cân nhắc đến việc có nên chia sẻ thông tin cá nhân thật cho ứng dụng hay là không.

Kết luận

Không có bữa ăn nào là miễn phí cả, tất cả đều phải trả tiền. Chẳng qua là bạn đang trả tiền trực tiếp hay trả tiền gián tiếp mà thôi.

Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại là các ứng dụng này cũng đang giải quyết được các nhu cầu cá nhân của người dùng chứ không phải là nó hoàn toàn vô tích sự.

Thích chia sẻ những điều đơn giản nhưng lại ảnh hưởng lớn lao.

Đăng ký
Notify of
guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận