Tháp tài sản là gì

Tháp tài sản là gì? Cách xây dựng một tháp tài sản hoàn chỉnh

Mình thấy đa phần những nhà đầu tư mới khi bắt đầu đầu tư đều có chung câu hỏi là “Bây giờ đầu tư cái gì lợi nhuận cao? Đầu tư sao cho mỗi tháng kiếm vài chục % là được.” Tuy nhiên, bản chất gốc rễ của vấn đề không phải cứ có tiền là được mà chúng ta cần phải xây dựng một tháp tài sản đi từ chính bản thân chúng ta đi lên.

Vậy tháp tài sản là gì? Nó có thật sự quan trọng không và làm sao để xây dựng được một tháp tài sản hoàn chỉnh?

Tháp tài sản là gì?

Tháp tài sản là một mô hình phân bổ các loại tài sản vào từng khối khác nhau. Mỗi tầng là một loại tài sản sẽ đảm nhận một vai trò khác nhau trong cuộc sống. Tầng đáy to và vững chắc hơn các tầng trên tạo thành một mô hình giống như Kim tự tháp của người Ai Cập cổ đại.

5 loại tài sản cơ bản trong tháp tài sản

Chúng ta thường chỉ quan tâm đến tài sản tạo ra thu nhập mà quên đi các loại tài sản vô hình khác nữa trong cuộc sống. Khi xây dựng một tháp tài sản hoàn chỉnh thì bạn nên xây dựng được 5 loại tài sản cơ bản dưới đây:

1. Tài sản vô hình

Tài sản vô hình là loại tài sản không thể nhìn thấy được nhưng nó lại cực kỳ quan trọng và là yếu tố nền tảng để tạo ra các loại tài sản khác. Tài sản vô hình nó có thể là kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng và các mối quan hệ của bản thân.

Không phải cứ tồn tại trên cuộc đời này là bạn đã có loại tài sản vô hình này. Loại tài sản này cần phải trải nghiệm, va vấp, rèn luyện, duy trì liên tục mới có thể tạo thành loại tài sản này.

2. Tài sản bảo vệ

Tài sản bảo vệ là loại tài sản mang yếu tố dự phòng khi bản thân xảy ra những biến cố trong cuộc sống như bệnh tật, thất nghiệp… thì loại tài sản này sẽ cứu cánh cho bạn. Nó có thể là khoản tiền tiết kiệm, có thể là vàng, bất động sản hoặc một loại tài sản nào đó có thể chuyển đổi thành tiền dễ dàng để bạn có thể sử dụng lúc khó khăn.

3. Tài sản tạo thu nhập

Tài sản tạo ra thu nhập thì bạn có thể đã biết lâu rồi. Nó có thể là một căn nhà cho thuê, một khoản gửi tiết kiệm ngân hàng lấy lãi suất đều đặn, hoặc các cổ phiếu của các doanh nghiệp có yếu tố cổ tức đều đặn mỗi năm. Cũng có thể là một doanh nghiệp do chính bạn tạo ra và hoạt động kinh doanh có lợi nhuận.

4. Tài sản tăng trưởng

Tài sản tăng trưởng thường là các khoản đầu tư được xây dựng với mục đích tăng trưởng kiếm lợi nhuận. Ví dụ như hoạt động đầu tư bất động sản, đầu tư chứng khoán… Các khoản đầu tư này thường cũng sẽ đi kèm với các rủi ro về tài chính tương ứng.

5. Tài sản mạo hiểm

Tài sản mạo hiểm là tài sản được phân bổ vào các kênh đầu tư mang tính chất rủi ro cao hơn như chứng khoán phái sinh, tiền mã hóa… Điểm chung của các kênh đầu tư này là rủi ro cao nhưng bù lại bạn có thể x2, x3 thậm chí là x10 tài khoản rất nhanh.

4 tầng của một tháp tài sản cơ bản

4 tầng của tháp tài sản
4 tầng của tháp tài sản

Để xây dựng được một tháp tài sản hoàn chỉnh thì bạn cần phải xây từng tầng cụ thể của tháp. Xây từ dưới lên trên, mỗi tầng sẽ đảm nhận một vai trò khác nhau trong cuộc sống. Dưới đây là vai trò của 4 tầng trong một tháp tài sản cơ bản.

Tầng 1: Bảo vệ

Tầng bảo vệ sẽ đóng vai trò lo cho bạn được cơm áo gạo tiền, thuốc men khi bạn thất nghiệp. Tầng này sẽ là các khoản tiền tiết kiệm của bạn trong ngân hàng. Tùy vào nhu cầu chi tiêu mỗi tháng của bạn mà bạn sẽ phải tích lũy số tiền cụ thể là bao nhiêu.

Thông thường thì mọi người sẽ để dành từ 3 – 6 tháng chi tiêu của mình. Ví dụ như mỗi tháng bạn chi tiêu 15 triệu/tháng thì bạn cần phải có khoản tiết kiệm 45 triệu tương đương với 3 tháng chi tiêu cá nhân của bạn.

Và trong thời gian 3 tháng đó, bạn hoàn toàn có thể tìm được công việc khác một cách thoải mái mà không cần phải áp lực chí. Điều đó sẽ khiến bạn chọn sai nghề. Sau khi có công việc và tiêu hết số tiền trong tháp này, bạn lại phải tiếp tục bù đắp lại khoản tiền đó như ban đầu.

Mặc dù tầng này rất căn bản nhưng hầu hết chúng ta đều bỏ qua xây dựng tầng này mà dùng thẳng các khoản tiết kiệm cho mục đích đầu tư. Do đó, khi thị trường gấu xuất hiện thì bạn lại hoảng loạn theo và đánh mất đi những cơ hội khác trên thị trường.

Tầng 2: Lập kế hoạch

Tầng này sẽ là tầng được xây dựng cho mục đích kế hoạch tài chính cụ thể nào đó của gia đình bạn. Ví dụ nhưng kế hoạch mua nhà, mua xe, khoản đầu tư giáo dục cho con hoặc xây dựng quỹ hưu trí cho bản thân.

Mặc dù tầng này không ảnh hưởng gì đến sự sống còn của bạn như tầng 1 nhưng nó sẽ giúp bạn đi xa hơn và sống có kế hoạch hơn.

Tầng 3: Mục tiêu ưu tiên

Đây là tầng tài sản mang tính chất hưởng thụ cuộc sống một chút. Ví dụ như một khoản tiền cho việc đi du lịch thế giới, hoặc một căn nhà nhỏ trên Đà Lạt trồng rau và nuôi cá.

Và những mục tiêu trong tầng nay cũng phải có deadline của nó. Ví dụ như bạn mong muốn có 500 triệu trong quỹ du lịch thế giới cho cả gia đình vào năm bạn 40 tuổi. Hoặc bạn mong muốn sẽ có căn nhà nhỏ giá tầm 1,2 tỷ trên Đà Lạt vào năm bạn 38 tuổi.

Từ những mục tiêu đó thì bạn có thể chia nhỏ nó ra để dễ dàng thực hiện.

Tầng 4: Tài sản để lại

Bản chất của chúng ta vẫn là người Châu Á, vẫn phải có trách nhiệm với con cháu của mình. Ở tầng này chúng ta sẽ bắt đầu thành lập các quỹ tài chính làm tài sản để lại cho con chúng ta. Có thể là một căn hộ chung cư, hoặc một số tiền cụ thể để con chúng ta có thể lập nghiệp.

Hoặc ai đủ nguồn lực tài chính và xa hơn thì có thể thành lập các quỹ từ thiện để giúp những hoàn cảnh khó khăn khác ngoài xã hội.

Tại sao phải xây dựng tháp tài sản cho bản thân

  • Sống có kế hoạch hơn

Để theo đuổi xây dựng tháp tài sản thì đòi hỏi bạn phải có những kế hoạch cụ thể trong cuộc sống. Và những nguyên tắc và kế hoạch đó sẽ giúp bạn đi đúng quỹ đạo tài chính mà bạn mong muốn. Không còn kiểu làm ra đồng nào xào đồng đấy. Hoặc dư chút ít tiền lại không biết làm gì đâm ra mua sắm cái này cái kia.

  • Cuộc sống thịnh vượng hơn

Do việc sống có kế hoạch thì bạn sẽ dễ dàng đạt được các mục tiêu tài chính của bản thân. Nói gì thì nói chứ tiền vẫn rất quan trọng và nó là một phần của hạnh phúc.

  • Tránh lạm phát

Đặc biệt trong giai đoạn 2022 đang có dấu hiệu của lạm phát cực mạnh. Giữ tiền mặt thì mất giá, chứng khoán thì liên tục giảm giá, tiền mã hóa cũng rơi thẳng đứng không phanh. Việc theo đuổi xây dựng tháp tài sản đã giúp bạn chuyển hóa tiền thành những loại tài sản hữu hình hoặc vô hình khác.

Như bạn đọc ở trên, tiền mặt mà chúng ta nắm giữ chỉ khoảng 3 tháng chi tiêu của chúng ta mà thôi nên cũng chẳng sợ mất giá.

  • Nhân văn hơn

Trong tháp tài sản, có một tầng là tầng tài sản để lại cho thế hệ tương lai. Một hành động cực kỳ nhân văn cho chính con cháu của mình hoặc xa hơn là những hoàn cảnh khó khăn xung quanh chúng ta.

Đương nhiên là không phải ai cũng đạt được điều này trong cuộc sống.

Ưu và nhược điểm của tháp tài sản

  • Ưu điểm

Như mình có đề cập ở trên, tháp tài sản là một phương pháp xây dựng và phân bổ nguồn tài chính của bản thân. Bồi dưỡng từng tầng từng tầng bền vững để hướng đến sự tự do tài chính.

Tháp tài sản rất bổ ích dành cho những ai không có kế hoạch chi tiêu, tích lũy, đầu tư một cách hợp lý.

  • Nhược điểm

Thực sự thì tháp tài sản cũng chỉ là một trong vô số những phương pháp tài chính cá nhân khác. Nhiều người không phù hợp với phương pháp này nhưng lại có thể phù hợp với phương pháp kia. Do đó, ở phương pháp như tháp tài sản đòi hỏi quá trình đi lâu dài và có nguyên tắc mới nhận được thành quả.

Nếu bạn đã chọn sai phương pháp ngay từ đầu hoặc lên kế hoạch không chính xác thì sẽ mất thời gian cho chính bản thân cũng như phải áp lực phân bổ chi tiêu sao cho cân đối.

Xây dựng một tháp tài sản như thế nào cho phù hợp

Nhiều người bắt đầu xây dựng tháp tài sản từ những mục tiêu và ước mơ của mình. Bạn ước mình có một cái nhà lầu 4 tầng, một chiếc xe Mercedes, một cô vợ xinh đẹp. Nói chung là vô vàng những điều viễn vong mà ai cũng có thể nói ra được.

Nhưng mình khuyên các bạn là nên bắt đầu từ khả năng tài chính của bản thân. Bắt đầu từ nguồn lương của bạn mỗi tháng, bắt đầu từ những cái mà bạn đang có. Phân bổ, chia nhỏ và lên kế hoạch thực hiện nó. Có như thế thì các kế hoạch tài chính của bạn mới có thể thực hiện được.

Những nguyên tắc cá nhân mà mình đúc kết khi xây dựng tháp tài sản

Các nguyên tắc khi xây dựng tháp tài sản
Các nguyên tắc khi xây dựng tháp tài sản

1. Không nên mạo hiểm với các mô hình đầu tư rủi ro cao

Có thể ngoài kia nhiều người khuyên bạn rằng còn trẻ hãy cứ mạnh dạng dấn thân vào đầu tư các mô hình rủi ro cao như tiền mã hóa, quyền chọn nhị phân, forex…

Nhưng đối với quan điểm cá nhân của mình thì đây là việc các bạn nên tránh ngay từ khi còn trẻ. Có thể nhiều người giàu lên từ các loại hình này sau một vài tháng. Nhưng cái họ có là đỉnh của tháp tài sản, còn cái cơ bản nền tảng những tài sản vô hình thì không. Do đó, tháp tài sản như thế này không bền vững.

Nhưng nếu bạn bắt đầu nghiên cứu các kênh đầu tư rủi ro cao như tiền mã hóa, forex và nghiên cứu từ những cái nền tảng. Bắt đầu từ những thứ nhỏ nhặt và đi chậm rãi từng bước một sẽ thành công hơn.

Ví dụ như bạn đánh future trên Binance để kiếm tiền thì có thể bắt đầu nghiên cứu về thuật toán blockchain để tìm hiểu những cái căn bản trước, như thế sẽ bền vững hơn.

2. Đầu tư ngay từ khi còn trẻ hoặc sớm nhất có thể

Còn trẻ là một lợi thế trong việc xây dựng tháp tài sản. Vì còn trẻ thì chi phí cho cuộc sống cá nhân không nhiều. Bạn chỉ lo tài chính cho bản thân bạn chứ chưa lo gì đến việc gia đình, con cái, báo hiếu phụng dưỡng cha mẹ.

Bạn thử dùng công cụ tính toán số tiền cần góp mỗi tháng để đạt được mục tiêu đi. Lúc này bạn mới thấy được tầm quan trọng của việc nên bắt đầu đầu tư ngay từ khi còn trẻ.

3. Giàu chậm đừng giàu nhanh

Nhiều người dám mơ lớn, dám đánh đổi nhưng không dám hoặc không chấp nhận việc giàu chậm. Đây là điểm mấu chốt tâm lý để bọn lừa đảo tài chính nhắm vào để dụ dỗ người khác tham gia đầu tư tài chính.

Có thể các bạn không tin nhưng mình đã chứng kiến nhiều hoàn cảnh giàu nhanh từ việc trúng coin, thắng đậm chứng khoán nhưng lại cũng mất hết đi khi thị trường không còn hưng phấn nữa. Sau tất cả thì bạn chỉ về lại con số 0 tròn trĩnh.

Giống như khi xây dựng tháp tài sản vậy, chúng ta nên bắt đầu từ tầng thấp nhất là tầng bảo vệ. Chỉ khi chúng ta đầy đủ cơm ăn áo mặc thì các quyết định đầu tư khác mới thật sự sáng suốt. Tầng đáy của tháp tài sản càng vững chắc bao nhiêu thì con đường tự do tài chính của bạn sẽ dễ dàng bấy nhiêu. Chậm mà chắc.

4. Đừng nghĩ cho bản thân quá nhiều

Cũng có nhiều trường hợp vì quá nguyên tắc để theo đuổi các kế hoạch tài chính của bản thân nên họ vô tình bước sang ranh giới của ki bo hà tiện. Lúc nào cũng nghĩ đến bản thân mình là trên hết nên đánh mất đi những thứ xung quanh như người thân và các mối quan hệ.

Thậm chí nhiều người còn lấy phần thiệt của người khác để làm phần lợi cho mình. Đây là hành động cực kỳ đáng lên án. 

Câu hỏi thường gặp

1. Cổ phiếu nằm trong lớp tài sản nào?

Nếu bạn mua cổ phiếu với tâm thế bán kiếm lời từ việc chênh lệch giá thì nó là tài sản tăng trưởng. Còn nếu bạn mua cổ phiếu để đầu tư vào doanh nghiệp thì nó thuộc tài sản tạo ra thu nhập.

2. Tiền mã hóa là loại tài sản nào trong tháp tài sản?

Tiền mã hóa đối với mình thì nó là thuộc tài sản mạo hiểm. Đây là kênh đầu tư mang lại lợi nhuận cao nhưng rủi ro cũng cực kỳ cao.

3. Có nên mua vàng vật chất khi xây dựng tháp tài sản không?

Vàng cũng là một dạng tài sản được pháp luật công nhận và có thể chuyển đổi thành tiền bất cứ lúc nào bạn muốn. Nên bạn hoàn toàn có thể mua vàng vật chất để làm một phần trong việc xây dựng tháp tài sản.

4. Bất động sản nằm ở đâu trong tháp tài sản?

Tùy vào nhu cầu sử dụng mà bất động sản sẽ thuộc tầng nào của tháp tài sản. Nếu bạn đặt mục tiêu mua nhà để ở thì nó thuộc dạng tầng lập kế hoạch. Nếu như bạn mua nhà cho thuê thì đó là tài sản tạo ra thu nhập, còn nếu bạn mua nhà để lại cho con cái thì nó thuộc tầng tài sản để lại.

Thích chia sẻ những điều đơn giản nhưng lại ảnh hưởng lớn lao.

Đăng ký
Notify of
guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận