Hãy quên đi các khái niệm cũ kỹ về Influencer đi, có một từ khóa hot hơn cả Influencer là Finfluencer. Ở Việt Nam, từ khóa Finfluencer còn khá mới mẻ nhưng có thể bạn đã gặp những người như vậy rồi. Vậy bạn đã biết Finfluencer là ai chưa? Và các Finfluencer này họ kiếm như thế nào và có nên tin tuyệt đối vào những gì họ chia sẻ không?
Nội dung bài viết
Finfluencer là ai?
Finluencer là từ viết tắt của Finance (Tài chính) và Influencer (Người ảnh hưởng). Những người này có thể họ là những chuyên gia trong ngành tài chính, có thể là chứng khoán, forex, tiền mã hóa …. Các Finfluencer này đăng các video chia sẻ kiến thức, lời khuyên về tài chính cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok. Ở nước ngoài thì họ chuộng nền tảng Reddit hơn.
Tại sao finfluencer lại được quan tâm?
Thật ra trước đây, các Influencer (nói những người có sự ảnh hưởng) đã được biết đến rộng rãi với nhiều chủ đề khác nhau từ làm đẹp, nấu ăn, thời trang, du lịch… Nhưng càng về sau, thế hệ GenZ họ bắt đầu quan tâm nhiều hơn về cách kiếm tiền, đầu tư nhiều hơn là chi tiền cho các đồ tiêu dùng cá nhân. Không khó để bạn thấy các bạn trẻ tuổi rất nhỏ nhưng có thể tự kiếm tiền và mua được các tài sản có giá trị như nhà cửa và xe ô tô.
Đầu năm 2020, thế giới bắt đầu bước vào một đại dịch lớn chưa từng có trong lịch sử là Covid19. Mọi người ở nhà nhiều hơn, xem video nhiều hơn. Thời gian rãnh rỗi họ lên mạng tìm kiếm các cách kiếm tiền online, đầu tư tài chính … Đáp ứng nhu cầu lớn như vậy, các influencer chuyển hướng sang làm các kênh về tài chính, nổi bật nhất vẫn là các kênh về tiền mã hóa.
Về sau, các chuyên gia tài chính trong các lĩnh vực khác như chứng khoán, ngoại hối mới bắt đầu dần chuyển đổi cách tiếp cận khách hàng nên đa dạng được các kênh đầu tư cho người xem. Có cầu ắt có cung là một trong những lý do làm các finluencer nổi tiếng đến như vậy, đương nhiên là không thể phủ nhận vai trò của các nền tảng mạng xã hội như Tiktok.
Các finfluencer kiếm tiền từ đâu?
Cũng như các influencer khác, các finfluencer cũng kiếm được tiền dựa trên các video được đăng tải của mình. Thậm chí nhiều hơn là đằng khác vì mảng tài chính đòi hỏi một lượng kiến thức lớn không phải ai cũng làm được.
Thứ nhất, các finfluencer này sẽ kiếm được tiền từ việc hiện quảng cáo Google Adsense trên các nội dung mình làm. Cái này chỉ những finfluencer làm Youtube mới nhận được khoản tiền này. Khi bạn xem các video mà cứ hiện các quảng cáo khiến bạn bấm bỏ qua đó.
Thứ 2, được nhãn hàng tài trợ là một trong những nguồn thu rất lớn của các finfluencer. Chỉ cần các finfluencer này làm các video để nói tốt (có thể là gián tiếp hoặc trực tiếp) thì sẽ nhận được một khoản thù lao xứng đáng. Và các công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính này sẵn sàng trả thu lao cao hơn bất kỳ ngành nghề nào khác.
Thứ 3, hưởng lợi thì lượng người dùng mà họ giới thiệu ra cho một nền tảng giao dịch nào đó. Các bạn hiểu hình dung như thế này: Sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới như Binance đi chẳng hạn, mình là một finfluencer.
Mình làm một video giới thiệu về sàn giao dịch này tới người xem. Người xem mở tải khoản dựa trên link giới thiệu của mình. Về sau, khi họ giao dịch thì sàn Binance sẽ thu được phí giao dịch, phí này sàn Binance sẽ trích lại một phần để trả cho mình. Đây cũng được xem là một nguồn thu nhập thụ động.
Ngoài ra, còn rất nhiều nguồn thu nhập nhỏ lẻ khác mà mình chưa liệt trên trong đây như tham dự các sự kiện ra mắt, tham gia đóng quảng cáo …. giống như bất kỳ influencer nào khác vì bản chất Finfluencer cũng là một influencer mà thôi.
Các finfluencer nổi tiếng kiếm được bao nhiêu tiền?
Một ngày nọ, công ty tư vấn đầu tư tài chính Betterment bất ngờ nhận được 10.000 lượt đăng ký nhưng ban lãnh đạo không biết từ đâu ra. Nhưng khi tìm hiểu cặn kẽ thì phát hiện tên doanh nghiệp của họ được nhắc đến trong một video được đăng tải lên Tiktok của một anh chàng 25 tuổi. Tên của anh ấy là Austin Hankwitz, một finfluencer chính hiệu trên mạng xã hội Tiktok.
Với mỗi video được đăng tải trên kênh Tiktok của anh, anh thu phí 4.500 USD – 8.000 USD cho những nhãn hàng nào muốn thuê anh ấy. Thâm chí, Austin Hankwitz còn tiết lộ rằng thương hiệu đầu tư bất động sản Fundrise còn trả tiền mỗi tháng cho anh ta chỉ để đăng lên 2 video mỗi tháng.
Còn đối với nền tảng giao dịch tiền mã hóa BlockFi thì với mỗi người đăng ký tài khoản thì Austin Hankwitz kiếm được 25 USD. Austin Hankwitz không tiết lộ cụ thể số tiền anh ta kiếm được mỗi năm nhưng thừa nhận con số đó lớn hơn 500.000 USD/năm.
Austin Hankwitzk không phải là người duy nhất trên thế giới làm được việc đó. Còn rất nhiều finfluencer được biết đến trên thế giới như Mrs Dow Jones, Vivian Tu…
Có nên tin vào lời khuyên của các finfluencer không?
Thị trường nào cũng có những góc khuất nhất định và đương nhiên là không phải finfluencer nào cũng có đủ trình độ chuyên môn để làm vai trò này. Nhiều người chỉ đọc vài ba cuốn sách, tham gia thị trường tài chính chỉ vài tháng nhưng vẫn lên sóng làm các video chia sẻ kinh nghiệm đầu tư như đúng rồi.
Hơn nữa, luật pháp Việt Nam vẫn chưa có những quy định nào về việc các finfluencer này phải tuân thủ. Vì bản chất họ chỉ làm vai trò chia sẻ các kiến thức về tài chính cá nhân của bản thân họ mà thôi. Ai nghe thì nghe, không nghe thì thôi.
Chưa kể, mình thấy có rất nhiều finfluencer thiếu đạo đức sẵn sàng nhận tiền để PR cho các sản phẩm tài chính mang tính chất “lùa gà”. Đặc biệt là mảng tiền mã hóa, mình không tiện nói tên những người như thế ở đây.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại là rất nhiều người họ thật sự có chuyên môn về tài chính và chia sẻ rất nhiều giá trị bổ ích cho cộng đồng tài chính ở Việt Nam.
Kết luận
Sự xuất hiện của Finfluencer là một yếu tố tất yếu của cuộc sống hiện đại khi mà các nền tảng mạng xã hội dần phổ biến đối với giới trẻ hiện đại. Chỉ cần có Internet thì bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận đến các kiến thức của người khác. Việc bạn lựa chọn theo dõi một finfluencer và làm theo những gì họ chia sẻ không có gì là sai nhưng lưu ý phải biết chọn lọc finfluencer có tâm với nghề tài chính.