Dư nợ là gì

Dư nợ là gì? Các khái niệm liên quan đến dư nợ tín dụng

Dư nợ là gì? – Đối với nhiều khách hàng lần đầu đi vay ngân hàng sẽ rất bối rối với các thuật ngữ chuyên ngành tài chính ngân hàng mà các bạn nhân viên ngân hàng hay dùng. Ví dụ như dư nợ là gì, dư nợ giảm dần là gì, dư nợ gốc là gì?

Bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu rõ hết tất cả các khái niệm liên quan đến dư nợ ngân hàng.

Dư nợ là gì?

Dư nợ (tên tiếng Anh là Debt) là số tiền mà bạn nợ ngân hàng hoặc tổng dư nợ tất cả các khoản vay. Bất kể là khoản vay của bạn đến từ thẻ tín dụng, vay thế chấp, vay tín chấp, vay mua nhà, vay mua ô tô hay chứng thư bảo lãnh đi nữa thì số tiền mà bạn đang nợ ngân hàng thì được gọi là dư nợ.

Tuy nhiên, dư nợ chỉ là tên gọi chung, chưa chi tiết đối với từng khoản dư nợ. Để chi tiết hơn thông thường sẽ dùng dư nợ + “cụm từ” nữa để chỉ rõ được bản chất của dư nợ. Điển hình như các loại dư nợ như dưới đây.

Dư nợ tín dụng là gì?

Dư nợ tín dụng cũng chỉ là một tên gọi khác của dư nợ, bản chất thì dư nợ và dư nợ tín dụng mang ý nghĩa tương đồng với nhau. Đều ám chỉ về số tiền mà các bạn đang nợ ngân hàng. Số tiền dư nợ này bao gồm luôn cả các khoản tiền gốc, tiền lãi, các khoản phí phạt khác nữa.

Dư nợ cho vay là gì?

Dư nợ cho vay là số tiền mà ngân hàng cho bạn vay, khoản vay này đã giải ngân thành công. Có thể là vay bằng thế chấp bất động sản, xe ô tô, vay tín chấp. Nói chung là tất cả các khoản tiền mà bạn nợ ngân hàng đến từ vay vốn thì được gọi là dư nợ cho vay.

Dư nợ thẻ tín dụng là gì?

Thanh toán thẻ tín dụng
Thanh toán thẻ tín dụng

Dư nợ thẻ tín dụng là số tiền mà bạn đã sử dụng trong thẻ tín dụng mà ngân hàng phát hành cho bạn. Giả sử ngân hàng phát hành cho bạn một thẻ tín dụng, hạn mức tín dụng là 50 triệu đồng (Hạn mức tín dụng là số tiền mà bạn có thể sử dụng tối đa từ thẻ tín dụng). Sau đó, bạn sử dụng thẻ tín dụng này để đi mua cái điện thoại 10 triệu đồng.

Khi đó, 10 triệu đồng sẽ là dư nợ thẻ tín dụng của bạn, còn 50 triệu là hạn mức tín dụng được cấp, 40 triệu đồng (50 – 10) là hạn mức tín dụng còn lại (hạn mức tín dụng khả dụng).

Dư nợ giảm dần là gì?

Dư nợ giảm dần là một hình thức trả nợ mà bạn chọn khi đi vay vốn. Nếu bạn chọn dư nợ giảm dần thì nó sẽ có ý nghĩa rằng số tiền bạn góp mỗi tháng sẽ giảm dần xuống cho đến khi hết nợ. 

Số tiền thanh toán mỗi tháng giảm dần là do số tiền lãi được tính dựa trên số tiền gốc dư nợ còn lại của bạn. Mỗi tháng bạn trả thì tiền gốc sẽ giảm dần nên lãi giảm theo.

Ví dụ:

  • Bạn đi vay ngân hàng 200 triệu.
  • Thế chấp bằng xe ô tô.
  • Thời gian vay 12 tháng.
  • Lãi suất cho vay 8%/năm.
  • Hình thức vay là dư nợ giảm dần.

Số tiền thanh toán mỗi tháng của bạn như sau: (Công cụ tính toán lãi vay ngân hàng)

KỳGốc còn lạiTiền gốcTiền lãiGốc + Lãi
1200,000,00016,666,6671,333,33318,000,000
2183,333,33316,666,6671,222,22217,888,889
3166,666,66716,666,6671,111,11117,777,778
4150,000,00016,666,6671,000,00017,666,667
5133,333,33316,666,667888,88917,555,556
6116,666,66716,666,667777,77817,444,444
7100,000,00016,666,667666,66717,333,333
883,333,33316,666,667555,55617,222,222
966,666,66716,666,667444,44417,111,111
1050,000,00016,666,667333,33317,000,000
1133,333,33316,666,667222,22216,888,889
1216,666,66716,666,667111,11116,777,778
Tổng8,666,667208,666,667
Mô phỏng khoản vay theo dư nợ giảm dần

Dư nợ ban đầu là gì?

Dư nợ ban đầu là số tiền ban đầu của khoản vay khi bạn bắt đầu ký hồ sơ vay vốn của ngân hàng.

Nếu như dư nợ giảm dần là khoản vay lãi được tính dựa trên số tiền nợ còn lại thì dư nợ ban đầu lãi được tính dựa trên số tiền vay ban đầu của bạn. Vay theo dư nợ giảm dần giống như kiểu bạn đi vay tiền góp, cứ góp đều mỗi tháng số tiền là như nhau.

Cũng ví dụ trên, bạn sẽ có bảng mô phỏng trả tiền hàng tháng như sau:

KỳGốc còn lạiTiền gốcTiền lãiGốc + Lãi
1200,000,00016,666,6671,333,33318,000,000
2183,333,33316,666,6671,333,33318,000,000
3166,666,66716,666,6671,333,33318,000,000
4150,000,00016,666,6671,333,33318,000,000
5133,333,33316,666,6671,333,33318,000,000
6116,666,66716,666,6671,333,33318,000,000
7100,000,00016,666,6671,333,33318,000,000
883,333,33316,666,6671,333,33318,000,000
966,666,66716,666,6671,333,33318,000,000
1050,000,00016,666,6671,333,33318,000,000
1133,333,33316,666,6671,333,33318,000,000
1216,666,66716,666,6671,333,33318,000,000
Tổng16,000,000216,000,000
Mô phỏng khoản vay theo dư nợ ban đầu

Dư nợ gốc là gì?

Dư nợ gốc là số tiền gốc mà bạn nợ ngân hàng, số tiền này không bao gồm các khoản tiền lãi, các khoản phí phát sinh trong quá trình vay tín dụng ngân hàng.

Giảm dư nợ là gì?

Giảm dư nợ là một hành động trả bớt nợ ngân hàng. Mình ví dụ bạn đang nợ ngân hàng 1 tỷ. Ngoài việc bạn trả nợ cho ngân hàng mỗi tháng ra, đến cuối năm bạn dư được 100 triệu nữa và muốn trả 100 triệu đó cho ngân hàng luôn. Thì việc trả 100 triệu đó cho ngân hàng được gọi là giảm dư nợ xuống từ 1 tỷ còn 900 triệu đồng là khoản dư nợ còn lại của bạn.

Thông thường, đối với các khoản vay thế chấp tại ngân hàng đều cho phép bạn giảm dư nợ một cục như vậy. Nhưng bù lại bạn phải chịu một khoản phí nhất định tầm 2% số tiền muốn giảm. Nếu sau 5 năm thì có thể miễn phí phí phạt 2% đó. (Cái này tuỳ ngân hàng)

Dư nợ đầu kỳ là gì?

Dư nợ đầu kỳ là số tiền bạn đang nợ ngân hàng khi bắt đầu một kỳ tính lãi mới. Kỳ tính lãi của ngân hàng thông thường sẽ là hàng tháng. Dư nợ đầu kỳ được dùng trong vay thế chấp, vay tín chấp và đặc biệt dùng rất nhiều trong thẻ tín dụng.

Ví dụ: Tháng 9 bạn nợ 10 triệu, cuối tháng 9 đến ngày thanh toán bạn trả lãi và gốc 1 triệu nữa. Kỳ tính lãi tiếp theo tức là đầu tháng 10, thẻ tín dụng bạn ghi nhận số tiền nợ đầu kỳ là 9 triệu đồng. 9 triệu đồng này được gọi là dư nợ đầu kỳ.

Dư nợ cuối kỳ là gì?

Dư nợ cuối kỳ là số tiền mà ngân hàng ghi nhận được ở cuối kỳ sao kê của khoản vay tín dụng. Dư nợ cuối kỳ này bao gồm luôn cả tiền gốc, tiền phí, lãi phát sinh trong kỳ đó.

Ví dụ: Tháng 9 bạn sử dụng 10 triệu đồng, cuối tháng 9 đến ngày chốt sao kê của thẻ tín dụng là ngày 25 đi chẳng hạn. Ngân hàng ghi nhận được là nợ gốc 10 triệu, lãi 300 nghìn, phí 10.000 đồng thì dư cuối kỳ của bạn là 10.310.000 đồng.

Thường thì dư nợ cuối kỳ của kỳ trước là dư nợ đầu kỳ của kỳ sau.

Dư nợ bảo lãnh là gì?

Dư nợ bảo lãnh là khoản tiền nợ phát sinh từ các chứng thư bảo lãnh mà bạn thực hiện với ngân hàng.

Xem thêm: Bảo lãnh ngân hàng là gì? Quy trình và phí dịch vụ bao nhiêu?

Dự nợ quá hạn là gì?

Những rủi ro có thể xảy ra
Những rủi ro có thể xảy ra khi nợ xấu

Dư nợ quá hạn là tổng số tiền mà bạn đang nợ ngân hàng nhưng do không thanh toán đúng hạn là khoản nợ này bị chuyển sang quá hạn. Thì tổng số tiền của khoản vay đó được gọi là dư nợ quá hạn.

Dư nợ tạm tính là gì?

Thông thường, một số ngân hàng khi bạn thanh toán tiền vào khoản vay, thường sẽ không được ghi nhận liền. Khi đó, giao dịch viên hoặc chuyên viên tín dụng chỉ tính được số tiền tạm tính của dư nợ.

Hiểu nôm na thì đây là số tiền được tính tay, chưa phải là số liệu chính xác do còn phải tính phí, lãi từng ngày nên chỉ có số liệu tạm tính mà thôi. Đây chưa phải là số dư nợ thực tế thời điểm hiện tại của bạn.

Thanh toán dư nợ tối thiểu là gì?

Thanh toán dư nợ tối thiểu là thuật ngữ được dùng nhiều trong thẻ tín dụng. Đối với thẻ tín dụng, mỗi tháng bạn sẽ nhận được một bảng sao kê được gửi qua email/thư để thông báo số tiền giao dịch trong tháng.

Bên cạnh đó, ngân hàng còn thông báo số tiền thanh toán tối thiểu và số tiền thanh toán tối đa của tháng đó. Số tiền thanh toán tối thiểu là số tiền vừa đủ để bạn không bị chuyển sang nợ quá hạn, số tiền nợ còn lại sẽ được tiếp tục tính cho kỳ thanh toán tiếp theo.

Thanh toán dư nợ tối đa là gì?

Ngược lại với số tiền thanh toán tối thiểu thì số tiền thanh toán dư nợ tối đa là số tiền bạn cần phải thanh toán để không còn nợ ngân hàng nữa. Số tiền này bao gồm gốc, lãi và phí.

Các lưu ý khi thanh toán dư nợ ngân hàng là gì?

Đau đầu với nợ nần
Đau đầu với nợ nần
  • Nên thanh toán dư nợ ngân hàng đúng hạn, tránh trường hợp đóng trễ dễ làm phát sinh thêm phí trễ hạn.
  • Hãy lưu ý khi ngày thanh toán rơi vào Thứ 7, Chủ nhật hoặc ngày lễ. Vì mỗi ngân hàng sẽ có cách dời ngày thanh toán khác nhau. Có ngân hàng thì lùi về ngày làm việc tiếp theo, có ngân hàng thì dời lên trước 1 ngày. Có ngân hàng thì không dời luôn.
  • Hạn chế thanh toán dư nợ ngân hàng qua các kênh trung gian như Ví điện tử, khác ngân hàng… Vì thông thường các kênh này sẽ tốn thêm thời gian xử lý giao dịch. Điều này có thể làm chậm thanh toán khoản vay của bạn. Nếu có thể, hãy thanh toán trực tiếp tại ngân hàng.
  • Nên bật tính năng tự động cắt nợ từ tài khoản thanh toán (tài khoản ATM). Mỗi tháng bạn chỉ việc bỏ tiền vào, ngân hàng đến ngày sẽ tự trừ.
  • Nên thanh toán dư vài chục nghìn vì mình thấy một số ngân hàng chưa cập nhật hết lãi từng ngày. Thanh toán dư cũng còn đó cho kỳ sau.

Xin chào các bạn, mình là Hà Linh. Có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính cá nhân. Mình ở đây để chia sẻ những kinh nghiệm mà mình đã và đang trải qua về tài chính.

Đăng ký
Notify of
guest

0 Bình luận
Mới nhất
Cũ nhất Nhiều bình chọn nhất
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận