Những ai làm trong ngành tài chính – ngân hàng hoặc những khách hàng thường xuyên giao dịch với ngân hàng sẽ quen với khái niệm “đảo nợ”. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ hết được bản chất của đảo nợ ngân hàng như thế nào? Những tiềm ẩn rủi ro bên trong quy trình này.
Nội dung bài viết
Đảo nợ là gì?
Theo định nghĩa, đảo nợ là một hành vi huy động vốn từ một khoản vay mới tại cùng một tổ chức tín dụng hoặc khác để thanh toán một phần hoặc toàn bộ khoản vay trước đó.
Tuy nhiên, để dễ hiểu hơn các bạn có thể đọc thêm ví dụ bên dưới đây để hiểu rõ hơn về đảo nợ là gì?
Doanh nghiệp/cá nhân A đang có khoản vay 10 tỷ tại ngân hàng X, thời hạn vay là 1 năm. Đến thời điểm hết 1 năm, doanh nghiệp A này do làm ăn thua lỗ hoặc vì một lý do nào đó mà không thể hoàn trả khoản vay cho ngân hàng. Do đó, doanh nghiệp quyết định thực hiện một khoản vay mới tại ngân hàng X luôn (hoặc từ ngân hàng Y,Z nào đó cũng được) để có tiền thanh toán khoản vay cũ tại ngân hàng X.
Lúc này, khoản vay cũ xem như không còn tồn tại. Doanh nghiệp bắt đầu thanh toán tiền cho khoản vay mới. Mọi lịch sử về thanh toán trễ hạn hay nợ cần chú ý đều không còn lưu vết nữa.
Đảo nợ có vi phạm pháp luật không?
Theo thông tư 39 của Ngân hàng Nhà nước được ban hành vào năm 2016 thì hành vi đảo nợ ngân hàng được xem là một vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, nếu bạn nằm trong 2 trường hợp dưới đây thì bạn được nằm trong trường hợp loại trừ và không bị quy vào vi phạm pháp luật:
- “Khách hàng có thể đảo nợ tại các tổ chức tín dụng khi dùng số tiền của khoản vay mới để thanh toán các khoản lãi suất phát sinh trong quá trình thi công, xây dựng công trình mà chi phí lãi suất tiền vay đã được tính trong dự toán xây dựng công trình đã được cấp phép hoặc cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.”
- “Khách hàng được vay đảo nợ khi dùng số tiền của khoản vay mới để thanh toán cho các khoản nợ thuộc 03 trường hợp như vay phục vụ kinh doanh; thời hạn cho vay không được vượt quá thời hạn của khoản vay cũ; khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.”
Tóm lại, phần lớn những khoản đảo nợ bên ngoài đều thuộc diện vi phạm pháp luật.
Xem thêm về thông tư 39/2016/TT-NHNN: Tại đây
Tại sao nhiều ngân hàng vẫn cho phép khách hàng đảo nợ?
Mặc dù đảo nợ bị cấm bởi Ngân hàng Nhà nước, tuy nhiên một số cá nhân, doanh nghiệp thậm chí là ngân hàng vẫn cùng khách hàng thực hiện đảo nợ cho khoản vay tại ngân hàng.
- Về phía ngân hàng: Những khoản vay chuẩn bị đảo nợ là những khoản vay mà ở đó khách hàng gần như 99% là không có khả năng thanh toán vào thời điểm đó cho ngân hàng. Nếu vẫn tiếp tục làm theo đúng quy định thì ngân hàng sẽ bị phát sinh nợ cần chú ý hoặc nợ xấu. Điều này, đẩy ngân hàng phải trích lập dự phòng tăng lên, giảm lợi nhuận của ngân hàng. Chưa kể đến các chỉ số thi đua KPI trong nội bộ ngân hàng.
- Về phía khách hàng: Có thêm thời gian để doanh nghiệp xoay vòng vốn phục vụ cho nhu cầu kinh doanh. Từ đó, tạo ra lợi nhuận để thanh toán khoản vay cho ngân hàng. Chưa kể, khoản vay mới sẽ được ưu đãi lãi suất hơn, giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp.
Xét về khía cạnh cả ngân hàng và khách hàng thì đây là một hành động hợp tác với nhau cùng có lợi. Nên nhiều ngân hàng cùng với khách hàng thực hiện đảo nợ, và đảo nợ như thế nào mời bạn tiếp tục đọc tiếp.
Quy trình đảo nợ ngân hàng như thế nào?
Để đảo nợ khoản vay, khách hàng nên tìm đến một cán bộ tín dụng đủ kinh nghiệm cũng như có mối quan hệ tốt với các sếp ngân hàng để quá trình đảo nợ được suôn sẻ hơn.
Chung quy, quá trình đảo nợ vẫn nên cân nhắc thực hiện theo trình tự các bước sau đây và nên thực hiện trước khi đến hạn thanh toán tầm 30 ngày để có đủ thời gian phòng rủi ro, sự kiện bất khả kháng:
Bước 1: Tìm ngân hàng cho khoản vay mới
Tốt nhất, khách hàng vay nên đề nghị với ngân hàng đang có khoản vay. Nếu ngân hàng này không chấp thuận thì mới tìm ngân hàng mới. Hoặc tìm ngân hàng nào có chính sách cho vay tốt hơn, lãi suất thấp hơn để giảm gánh nặng tài chính sau khoản vay.
Bước 2: Phải chờ sự đồng ý cho khoản vay mới
Nếu bên cho vay mới có văn bản trả lời chấp thuận khoản vay luôn càng tốt. Nếu không thì cán bộ tín dụng hứa hẹn phải đủ năng lực và quyền hạn để thực hiện việc đó. Thử nghĩ đến trường hợp, nếu bạn thanh toán hết khoản vay cũ mà qua bên ngân hàng mới họ không cho vay thì bạn sẽ khốn đốn đấy.
Bước 3: Tìm nguồn tiền đắp vào tạm thời
Có thể bạn mượn người thân, đồng nghiệp hoặc từ các bên cho vay tiền nóng chuyên để đảo nợ ngân hàng.
Cũng có một số trường hợp, ngân hàng cho vay khoản mới và khoản cũ là giống nhau. Bạn sẽ không cần phải chuẩn bị tiền để đắp vào, ngân hàng họ tự biên tự diễn. Nhưng rất ít ngân hàng chấp thuận việc này vì đây là vi phạm nguyên tắc của ngân hàng. Hoặc bạn là “bạn chí cốt” với sếp ngân hàng.
Bước 4: Nhanh chóng hoàn tất hồ sơ khoản vay mới
Nên tốt nhất phải càng nhanh càng tốt, nếu trục trặc trong khâu nào đó như hồ sơ sai, không đăng ký thế chấp được thì phải mất thêm vài ngày.
Bước 5: Trả lại tiền ngay khi nhận được tiền giải ngân
Vì bạn mượn tiền bên ngoài lãi suất tính bằng ngày nên sớm hoàn trả để giảm bớt chi phí lãi và những rủi ro khác.
Phí đảo nợ được tính như thế nào?
Vì đây là hành vi vi phạm pháp luật nên chẳng có một mức phí cụ thể cho việc đảo nợ. Cũng chẳng ngân hàng nào thu phí bạn việc này trừ khi bạn đưa ngoài cho cán bộ ngân hàng.
Trong đó, phí cao nhất là bạn phải chịu khi đảo nợ là lãi suất mà bạn phải chịu khi bạn đi vay tiền bên ngoài để đắp vào khoản vay cũ. Thông thường, trên thị trường mặt bằng chung thì họ lấy tầm 0,3%/ngày.
Giả sử bạn đảo nợ 5 tỷ, thì bạn phải trả lãi 0,3% x 5 tỷ = 15 triệu/ngày. Nhớ là một ngày nhé, nên hãy làm hồ sơ nhanh nhất có thể. Mình thấy chậm nhất cũng phải mất 3 ngày thôi, chứ hơn nữa khả năng sẽ mất vốn cao đấy.
Những rủi ro khi đảo nợ ngân hàng?
- Ngân hàng mới không chấp nhận khoản vay: Hãy chắc chắn rằng sau khi bạn tất toán khoản vay cũ thì bạn phải vay được khoản vay mới.
- Nhiều ngân hàng vì muốn giải quyết dứt điểm khoản nợ cần chú ý mà hứa hẹn đủ điều với bạn để bạn vay tiền đưa vào trả nợ. Sau đó mất hút để bạn một mình gánh hậu quả.
- Lãi suất vay tiền nóng phải thuộc diện thấp nhất có thể, tính toán khoản thời gian tối đa mà hồ sơ bạn bị ngâm để chuẩn bị tâm lý trước về tài chính, tiền mặt cần phải chuẩn bị.
- Có thể doanh nghiệp sẽ làm giả hồ sơ, rủi ro này đứng về phía ngân hàng. Vì những doanh nghiệp đang khó khăn rất có khả năng sẽ làm cái gì đó bậy bạ để qua mặt ngân hàng.
- Nên cân nhắc đến khả năng hoạt động tiếp tục của doanh nghiệp để tìm phương án tối ưu khi tiến hành đảo nợ. Nếu sau đảo nợ mà doanh nghiệp tiếp tục làm ăn thua lỗ thì có thể mất cả chì lẫn chài.
- Cán bộ ngân hàng, cán bộ nhà nước cấu kết với bên cho vay nóng. Cố tình giam ngâm hồ sơ của bạn để tăng phần tiền lãi. Cán bộ ngân hàng thì chậm giải quyết hồ sơ, cán bộ nhà nước thì bắt bẽ đủ điều khi đăng ký giao dịch đảm bảo…
Phân biệt đảo nợ và đáo hạn ngân hàng?
Nhiều người vẫn nhầm lẫn về đảo nợ và đáo hạn. Tuy nhiên, đảo nợ và đáo hạn là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.
Đáo hạn ám chỉ đến một thời điểm mà hồ sơ vay vốn đến hạn, hợp đồng bảo hiểm hết hiệu lực, hoặc sổ tiết kiệm đến hạn tái tục… Nói chung, đáo hạn ám chỉ về thời gian.
Đảo nợ là một hành vi chấm dứt khoản nợ cũ và phát sinh một khoản nợ mới. Đây là hành động có chủ đích. Thông thường, doanh nghiệp đang khó khăn về tài chính mới áp dụng thuật ngữ đảo nợ. Đảo nợ ám chỉ về hành vi.
Xem thêm: Đáo hạn là gì? Không được đáo hạn khi chưa đọc bài này
Tóm lại, có nên đảo nợ hay không?
Xét về mặt đạo đức đảo nợ không có gì là xấu cả. Không ảnh hưởng đến quyền lợi của người khác nên nếu doanh nghiệp bạn đang thực sự cần thì cứ thực hiện. Miễn nó vẫn còn nằm trong khuôn khổ kiểm soát của pháp luật.
Hãy lưu ý về quy trình và những rủi ro bên trên để việc đảo nợ mang lại hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp chứ không phải dấu chấm hết cho hoạt động của doanh nghiệp.
Xem thêm: Nợ xấu là gì? Những điều bạn cần phải biết về nợ xấu