Nhiều nhà đầu tư khi mới bước chân vào thị trường crypto sẽ thắc mắc thuật ngữ ICO là gì, nó có giống với IPO ở trên thị trường chứng khoán không. Bài viết này MoneyHub sẽ nêu ra những khái niệm ICO là gì và cách nhận diện một dự án ICO lừa đảo để mọi người nên tránh.
Nội dung bài viết
ICO là gì?
ICO là viết tắt của Initial Coin Offering trong tiếng Anh, còn tiếng Việt có thể gọi là Đợt phát hành coin đầu tiên. ICO là một hình thức kêu gọi vốn từ cộng đồng cryptocurrency (hay còn gọi là thị trường tiền ảo, tiền điện tử) để phát triển các dự án được xây dựng dựa trên nền tảng công nghệ blockchain. Có thể Bitcoin, Ethereum hoặc trong một số trường hợp ICO có thể kêu gọi bằng cả tiền pháp định (FIAT) từ cộng đồng.
Trong đó, người kêu gọi dự án cần tiền, cần cộng đồng để xây dựng nên hệ sinh thái của mình. Còn cộng đồng tham gia với mong muốn dự án được thành công thì họ sẽ kiếm một số tiền lớn x100, x1000 lần vốn đầu tư ban đầu. Đây là cuộc chơi đầu tư tài chính mạo hiểm, rủi ro cao đồng nghĩa lợi nhuận sẽ cao.
So sánh ICO vs IPO
Nhiều người lầm tưởng ICO giống như hình thức IPO chào bán cổ phiếu ra công chúng như thị trường chứng khoán vẫn hay làm. Tuy nhiên, chúng hoàn toàn khác nhau và nếu bạn có cách suy nghĩ như vậy là hoàn toàn sai lầm. Các bạn có thể tìm sự khác nhau bằng bảng so sánh dưới đây:
Yếu tố | IPO | ICO |
---|---|---|
Sản phẩm bán | Cổ phiếu | Token |
Nơi kêu gọi | Niêm yết trên sàn chứng khoán | Kêu gọi từ cộng đồng, không cần niêm yết |
Tình trạng công ty | Đã hoạt động và có một số thành quả nhất định | Tất cả chỉ còn nằm trên giấy hoặc còn rất sơ khai |
Quyền sở hữu | Được quy đổi thành cổ phần để sở hữu công ty | Không có quyền sở hữu dự án |
Quyền quyết định | Có quyền biểu quyết trong các phiên họp | Không có quyền biểu quyết |
Cơ quan quản lý | Uỷ ban chứng khoán | Không cơ quan nào quản lý |
Lợi nhuận của NĐT | Chia từ kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp | Từ giá trị tăng trưởng của các token mà NĐT nắm giữ. |
Nếu như ICO không giống với IPO, vậy ICO có giống với một hình thức nào ở ngoài đời thường không?
Câu trả lời là Có. Theo quan điểm cá nhân mình thì ICO rất giống với mô hình kêu gọi vốn trên nền tảng Kickstarter.com. Dành cho những ai chưa biết thì Kickstarter.com là một nền tảng kêu gọi vốn từ cộng đồng, nếu bạn có ý tưởng hay hãy lên đó trình bày, có kế hoạch rõ ràng thì cộng đồng sẽ góp tiền cho bạn để triển khai dự án.
Các giai đoạn phát triển của một dự án ICO
Đương nhiên mỗi lần founder của một dự án ICO muốn kêu gọi vốn từ thị trường crypto phải có kế hoạch rõ ràng. Chung quy, tất cả các dự án ICO hiện nay đều trải qua 4 giai đoạn chính dưới đây:
Giai đoạn 1: Lên kế hoạch ICO
Founder lúc này chỉ mới có ý tưởng, và công việc của họ ở giai đoạn này là trình bày một kế hoạch và lộ trình rõ ràng cho dự án. Để thực tiễn và chân thật nhất thì họ sẽ làm một cái gọi là Whitepaper (Sách trắng).Trong whitepaper sẽ có toàn bộ thông tin về dự án, về hệ sinh thái và tiềm năng của nó ở tương lai.
Cách thức thực hiện đơn giản nhất là họ sẽ tạo ra một trang web và công bố sách trắng này trên website đó, để các nhà đầu tư có thể vào đó xem.
Giai đoạn 2: Xây dựng hệ sinh thái ICO
Đây là giai đoạn tận dụng công nghệ blockchain để tạo ra các token để phục vụ cho dự án của mình. Thông thường, các token ICO sẽ được tạo ra dựa trên công nghệ blockchain của Ethereum theo tiêu chuẩn ERC-20. Nếu như họ có công nghệ blockchain của riêng họ thì họ sẽ chọn phát hành dựa công nghệ đó luôn.
Một số sản phẩm nổi bật mà các ICO hay triển khai là sàn giao dịch phi tập trung (Defi), ví lưu trữ crypto (Wallet)…
Giai đoạn 3: Kêu gọi vốn cộng đồng
Đây là giai đoạn rất quan trọng vì nó quyết định đến độ phổ biến của dự án để thu hút nhà đầu tư. Thông thường các founder sẽ cố gắng đưa lên các list ICO của các cộng đồng lớn như Coinmarketcap, Coingecko, Binance Smart Chain… Và tiếp tục xây dựng các chính sách tặng token cho những người giới thiệu để thu hút nhiều người tham gia vào hệ sinh thái càng tốt.
Đương nhiên là hệ sinh thái của dự án ICO phải có triển vọng và sát với thực tế mới thu hút được nhiều nhà đầu tư. Các nhà đầu tư sẽ quy đổi từ tiền pháp định FIAT sang BTC hoặc ETH sau đó chuyển vào sàn nội bộ hoặc cổng mua bán trung gian để mua được các token này.
Giai đoạn 4: Lên sàn
Sau khi triển khai một thời gian, xây dựng được hệ sinh thái ở mức cơ bản rồi họ sẽ quyết định lên sàn (index) để tăng khối lượng giao dịch cho token đó. Đây là giai đoạn mà các token sẽ được fomo lên giá rất cao. Nhiều nhà đầu tư không dám mạo hiểm ở giai đoạn đầu sẽ đầu tư mua token ở giai đoạn này sẽ ít rủi ro hơn.
Tuy nhiên, theo lộ trình là như thế nhưng nó có thể sập dự án bất kỳ lúc nào, vì không phải 100% dự án triển khai đều thành công. Nếu như có 100 dự án chắc tầm 3 – 5 dự án thành công thôi cũng là con số khá ấn tượng rồi đó.
Cơ hội và rủi ro khi đầu tư tiền vào một dự án ICO
Bất kỳ một kênh đầu tư tài chính nào có cơ hội và tiềm ẩn những rủi ro. Với ICO thì cơ hội rất ít nhưng một khi cơ hội rõ ràng rồi thì thành quả mang lại rất lớn. Nhưng bên cạnh đó, rủi ro mất tiền xảy ra là đều như cơm bữa với các dự án ICO trong thị trường crypto.
Cơ hội
Việc tài khoản x10, x50, x100 là điều có thể xảy ra khi đầu tư ICO. Điển hình như Solana (SOL) cách đây một năm, giá chỉ loanh quanh ở mức 1USD, nhưng thời điểm bài viết này được xuất bản là 122 USD.
Là cánh cửa giúp bạn một bước lên mây, mình từng chứng kiến nhiều người bạn của mình nhờ trúng coin mà trở thành triệu phú đô la, lên lầu và sắm xế xịn.
Rủi ro
- Rủi ro dự án phá sản và mất trắng tiền đầu tư là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Một khi dự án không còn cộng đồng nữa thì rất khó để thành công.
- Rất nhiều người lợi dụng ICO nhằm mục đính kêu gọi vốn để lừa đảo và trốn mất tăm. Rất nhiều nữa chứ không phải nhiều nha các bạn.
Tính pháp lý của các dự án ICO
Thành thật mà nói, không chỉ riêng Việt Nam mà rất nhiều các quốc gia trên thế giới không bảo hộ cho các hoạt động ICO. Tiền ảo vẫn chưa được công nhận ở phần lớn các quốc gia trên thế giới, thậm chỉ là bị cấm như ở Trung Quốc, Hàn Quốc…
Tại Mỹ, Uỷ ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) mặt dù chưa có văn bản cấm chính thức nào nhưng vẫn đưa ra một số cảnh báo dành cho các nhà đầu tư nên tiềm hiểu kỹ trước khi đầu tư ICO.
Trên mạng hiện nay đang lan truyền các thông tin về chính phủ này, chính phủ kia chấp thuận Bitcoin làm đồng tiền hợp pháp thì các bạn nên tìm hiểu kỹ thông tin đó nhé. Vì rất nhiều fake news được đưa ra nhằm tạo hiệu ứng FOMO cho mục đích xấu.
Cách nhận biết một dự án ICO đang lừa đảo
Các bạn có thể nhận biết một dự án ICO đang có lừa đảo, lùa gà hay không thì có thể nhận diện thông qua các dấu hiệu dưới đây:
- Một tổ chức, cá nhân ẩn danh. Việc ẩn danh thông tin cá nhân là một dấu hiệu cho thấy dự án đang lùa gà. Bất kể quốc gia của người founder có hợp pháp ICO hay không thì họ luôn công khai danh tính cá nhân. Đó là điều tiên quyết phải có của mỗi dự án.
- Được trả một mức giá rất hời với một mức lợi nhuận hấp dẫn. Các mô hình cam kết trả lãi có thể rút về được với tỷ lệ rất cao thì rất có thể đây là dấu hiệu của lừa đảo. Lấy tiền của người sau trả cho người trước như các mô hình ICO MLM (đa cấp) bất chính hay làm.
- Không có lộ trình rõ ràng. Việc không có lộ trình rõ ràng cũng cho thấy người kêu gọi vốn từ ICO không có ý định triển khai nó lâu dài và thực sự nghiêm túc với dự án.
Các nhận định trước khi đầu tư ICO nào đó
1. Tìm hiểu sâu về dự án
Để tìm hiểu sâu sắc được dự án bạn phải tìm và đọc hết tất cả các trang whitepaper. Thông thường bạn có thể tải về từ website chính thức của dự án đó.
Một dự án phải được fomo ở toàn thế giới chứ không chỉ phát triển lẩn quẫn ở một quốc gia nào đó. Để tìm hiểu kỹ hơn về các dự án bạn có thể tìm hiểu trên các diễn đàn, cộng đồng chuyên chia sẻ các thông tin về ICO như CoinSchedule, CryptoCompare, CyberFund, ICO Countdown, ICO List, ICOO, ICO Tracker, ICO Timeline, PrivateMarket… và đặc biệt là các hội nhóm Telegram.
2. Phân tích tiềm năng hệ sinh thái
Tính thực tiễn của dự án là mấu chốt rất quan trọng cho sự thành công của dự án. Dự án đó phải được gắn liền với cộng đồng, giải quyết bài toán cho xã hội thì khả năng thành công sẽ cao hơn. Việc này đòi hỏi bạn phải có tầm nhìn và kiến thức sâu rộng một chút.
Đặc biệt, bạn phải xem đến các dự án cùng hệ sinh thái để phân tích điểm mạnh và điểm yếu. Nếu có thể hãy tìm đến các dự án đã bị phá sản trước đó để tìm hiểu nguyên nhân và cách thị trường đang vận động.
3. Nhận định năng lực người lãnh đạo
Trong một dự án ICO thì người lãnh đạo là mấu chốt thứ 3 trong tam giác vàng để tạo nên sự thành công của dự án đó. Đừng quan tâm đến những gì họ nói, hãy quan tâm đến những gì họ làm để đánh giá đúng thực lực của mỗi cá nhân.
Phần lớn các founder của các dự án kêu gọi vốn ICO đều sử dụng Twitter làm kênh truyền thông chính. Hãy quan tâm đến những gì họ tương tác để theo dõi nhé. Một mối quan hệ rộng và sự tập trung sẽ làm nên chuyện.
Có nên đầu tư vào các dự án ICO tiền ảo không?
Mình sẽ làm thử một ví dụ so sánh đầu tư ICO với chơi vé số kiến thiết nha. Giả sử bạn mua vé số mỗi ngày, giá 10.000 đồng/vé. Tỷ lệ trúng giải theo các nhà tính toán là 1/1.000.000, tức là rất có khả năng bạn phải bỏ ra đến 10 tỷ chỉ để có cơ hội trúng số giải đặc biệt 2 tỷ.
Giờ mình làm bài toán tương tự, bạn đầu tư 100 dự án ICO, mỗi dự án là 20 triệu. Bạn sẽ đầu tư khoản 2 tỷ. Trong 100 dự án đó, bạn win 1 dự án x100 và bạn thu được 2 tỷ.
Nếu như bạn thực hiện nhận định các dự án ICO như cách mình nói ở trên thì mình không tin là bạn đầu tư 100 dự án mà đều thất bại hết 100 dự án được. Mình lấy ví dụ ở trên để bạn tự so sánh và tự quyết định nhé. Nhưng mình vẫn khuyên các bạn nên đầu tư ở một số vốn mà bạn chấp nhận mất được.
Sau bài viết này, các bạn đã hiểu được ICO là gì, cách thức hoạt động của ICO ra sao và lựa chọn cho mình được các dự án ICO đúng đắn để đầu tư nhé. Chúc các bạn may mắn.