EPS là gì?

EPS là gì? Cách phân tích chỉ số EPS trong đầu tư chứng khoán

Một nhà đầu tư tham gia vào thị trường chứng khoán tại Việt Nam không thể không quan tâm đến chỉ số EPS là gì? Việc biết và hiểu về chỉ số EPS sẽ giúp cho nhà đầu tư dễ dàng đưa ra quyết định khi lựa chọn mã cổ phiếu nào để đầu tư.

EPS là gì?

EPS là viết tắt của từ Earning Per Share, là lợi nhuận có được trên mỗi cổ phiếu. Đương nhiên lợi nhuận này được tính là lợi nhuận sau thuế. Bạn có thể hiểu nôm na là chỉ số EPS cho ta thấy được lợi nhuận mà nhà đầu tư nhận được khi đầu tư vào một mã cổ phiếu nào đó.

Chỉ số EPS được các nhà phân tích dùng để dự báo về khả năng sinh lời của một cổ phiếu nào đó trên sàn chứng khoán.

Ý nghĩa của chỉ số EPS

  • Chỉ số EPS đánh giá hiệu quả của một dự án, một doanh nghiệp nhờ vào việc nó phản ánh kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.
  • Chỉ số EPS giúp nhà đầu tư so sánh được tỷ suất lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu khi so sánh mã cổ phiếu của doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác.
  • Chỉ số EPS là thành phần không thể thiếu khi tính toán các chỉ số tài chính quan trọng khác như ROE và P/E.

Công thức tính EPS

Công thức tính EPS như sau:

EPS = (Lợi nhuận sau thuế – Cổ tức cổ phiếu ưu đãi)/ Tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành

Trong đó,

  • Lợi nhuận sau thuế hay còn gọi là thu nhập ròng. Là khoản lợi nhuận của doanh nghiệp sau khi trừ đi các chi phí như chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí bán hàng, lãi suất vay, khấu hao … và trừ đi luôn cả thuế thu nhập doanh nghiệp.
  • Cổ tức cổ phiếu ưu đãi: Nhiều doanh nghiệp có những khoản tiền phải chi trả cho các cổ tức ưu đãi. Do đó, khi tính EPS, bạn phải loại bỏ đi số liệu này mới mang lại kết quả chính xác khi tính EPS. Phần cổ tức này thường sẽ được niêm yết khi phát hành loại cổ phiếu ưu đãi này.
  • Tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành: Là tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường. Tuy nhiên, trong 1 năm sẽ có những biến động tăng và giảm lượng cổ phiếu khác nhau nên muốn tính con số chính xác bạn phải tính lượng cổ phiếu bình quân đang lưu hành.

Mặc dù thế, nhiều nhà đầu tư vẫn chấp nhận lấy số lượng cổ phiếu cuối kỳ để tính EPS trong trường hợp các thay đổi trong kỳ về lượng cổ phiếu đang lưu hành là không đáng kể.

Ví dụ tính EPS

Mình sẽ lấy ví dụ về 2 mã cổ phiếu của Vinamilk (VNM) và Hoà Phát (HPG) ra để tính chỉ số EPS

Mã CPLợi nhuận STKhối lượng CP bình quânCổ tức ưu đãi
VNM10.491.575.334 đ2.089.955.445 cp
HPG25.093.096.381 đ4.472.922.706 cp93.096.381 đ
Ví dụ khi tính toán chỉ số EPS, số liệu giả định

Chỉ số EPS của VNM = (10.491.575.334 – 0)/2.089.955.445 = 5.020 đồng

Chỉ số EPS của HPG = (25.093.096.381 – 93.096.381)/4.472.922.706 = 5.590 đồng

Ví dụ tính khối lượng cổ phiếu bình quân

  • Ngày 01/01/2020, khối lượng cổ phiếu đang lưu hành là: 1.000.000 cổ phiếu
  • Ngày 01/07/2020, phát hành thêm 100.000 cổ phiếu
  • Ngày 01/10/2020, mua lại 50.000 cổ phiếu
  • Ngày 01/10/2020, trả cổ tức cho năm 2019 bằng cổ phiếu: Tỷ lệ 5% cổ phiếu cuối kỳ năm 2019.

Dựa vào các dữ liệu trên ta có cách tính khối lượng cổ phiếu bình quân đang lưu hành (KLCPBQ) như sau:

KLCPBQ = 1.000.000 + 100.000 x (6/12) – 50.000 x (3/12) + (5% x 1.000.000)x (3/12) = 1.050.000 cổ phiếu

Phân loại EPS

1. EPS cơ bản (Basic EPS)

EPS cơ bản là loại chỉ số được tính bằng công thức đơn giản như bên trên có đề cập. Cách tính này chỉ áp dụng với các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh đơn giản, không phát sinh quá nhiều hoạt động tài chính như trái phiếu chuyển đổi, ESOP

Công thức của EPS cơ bản = (Lợi nhuận sau thuế – Cổ tức cổ phiếu ưu đãi)/ Tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành

2. EPS pha loãng (Diluted EPS)

Thực tế, trên thị trường chứng khoán chúng ta gặp khá nhiều các doanh nghiệp phải tính theo chỉ số EPS pha loãng. Sở dĩ có chỉ số EPS pha loãng vì để hạn chế rủi ro cũng như pha loãng lợi nhuận của doanh nghiệp đó khi doanh nghiệp này có thực hiện các hoạt động như phát hành cổ phiếu ưu đãi, trái phiếu chuyển đổi, ESOP …

 Công thức EPS pha loãng = (Lợi nhuận sau thuế – Cổ tức cổ phiếu ưu đãi)/(Lượng cổ phiếu đang lưu hành + Lượng cổ phiếu sẽ được chuyển đổi)

Mối liên quan giữa chỉ số EPS và P/E

Công thức tính: P/E = P/EPS

Trong đó,

  • P/E là chỉ số thể hiện giá trị trường của cổ phiếu so với lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu.
  • P là giá thị trường của cổ phiếu đang được phân tích.
  • EPS là lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu

Các bạn có thể thấy trong công thức tính P/E thì chỉ số EPS đóng vai trò quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp tới chỉ số P/E. Chỉ số EPS và P/E sẽ tỷ lệ nghịch với nhau, nếu như EPS càng nhỏ thì P/E càng lớn và ngược lại nếu như EPS càng lớn thì P/E càng nhỏ.

Lưu ý:

  • Khi EPS > 0 thì ta có thể tính giá cổ phiếu bằng công thức P/E.
  • Khi EPS =<0 thì ta không thể dùng công thức P/E để tính giá cổ phiếu và ta phải dùng công thức P/B.

Chỉ số EPS bao nhiêu là tốt?

“Doanh nghiệp nào có chỉ số EPS lớn hơn 1.500 đồng và duy trì được tỷ lệ này bền vững qua các năm thì đó là một doanh nghiệp tốt.”

Kết quả này được tính toán ra công thức tính ROE.

Ví dụ 1: Cổ phiếu Vinamilk có tốt không?

Cổ phiếu Vinamilk, nguồn CafeF.vn

Chỉ số EPS cơ bản và EPS pha loãng của cổ phiếu VNM đều là 5.020 đồng và duy trì được chỉ số này trong nhiều năm. Chứng tỏ đây là một doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả và thực tế đã chứng minh cho thấy điều đó.

Ví dụ 2: Cổ phiếu Hoà Phát có tốt không?

Cổ phiếu Hoà Phát, nguồn CafeF.vn

Tương tự như mã cổ phiếu của Vinamilk, chỉ số EPS của Hoà Phát cũng như các doanh nghiệp đầu ngành đều cho ra kết quả ấn tượng.

Những hạn chế của EPS trong đầu tư

Mặc dù chỉ số EPS làm tốt vai trò trong việc thể hiện được hiệu quả kinh doanh của một doanh nghiệp nào đó. Nhưng chỉ số EPS vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định như sau:

  • Nếu EPS âm thì kết quả không thể hiện được vai trò gì. Lúc này EPS trở nên vô nghĩa khi tính toán.
  • Chỉ số EPS rất dễ bị bóp méo nếu gặp các doanh nghiệp mà lợi nhuận/doanh thu của họ mang tính mùa vụ, chu kỳ cao. Tức là khi đến mùa thì doanh số rất cao, nhưng ở mùa đối nghịch thì doanh số và lợi nhuận rất thấp. Nếu lấy mùa vụ cao ra để tính EPS thì không mang lại ý nghĩa nhiều cho nhà đầu tư.
  • Nếu như doanh nghiệp phát hành thêm trái phiếu chuyển đổi hoặc ESOP thì nhà đầu tư sẽ bị rủi ro nhiều hơn vì chỉ số EPS bị ảnh hưởng trực tiếp nếu có các hoạt động như trên.

Những lưu ý khi tính chỉ số EPS

  • Cần loại bỏ các khoản mục bất thường: Tức là các số liệu mang tính không bền vững như việc doanh nghiệp thanh lý hàng tồn kho để mang lại doanh số, hoặc bất thình lình cổ phiếu doanh nghiệp mà doanh nghiệp này đầu tư tăng trưởng phi mã. Cổ phiếu này được bán đi và mang lại dòng tiền lớn cho công ty mà bạn tính EPS.
  • EPS chỉ bao gồm các hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp: Việc đầu tư tài chính mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp cũng bị xem không phải là hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp hoặc quyết định đóng của các mặt bằng để giảm chi phí …
  • Và nhiều hoạt động bất thường khác, do đó nhà đầu tư hãy thật sự tỉnh táo khi mang chỉ số EPS để làm cơ sở cho quyết định đầu tư của mình.

Sau bài viết này, chắc hẳn các bạn cũng đã hiểu được phần nào EPS là gì? Cách tính chỉ số EPS cũng như những sai lầm nên tránh khi tính EPS trong thực tế.

Nhà đầu tư chuyên nghiệp trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán tại Việt Nam. Rất mong là với những kiến thức mà mình chia sẻ có thể giúp được phần nào cho những nhà đầu tư mới.

Đăng ký
Notify of
guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận