DCA quỹ cổ phiếu với DCA cổ phiếu

DCA quỹ cổ phiếu và DCA cổ phiếu, cái nào tốt hơn?

Trong đầu tư chứng khoán, DCA được xem như một chiến lược phân bổ vốn an toàn và hiệu quả cho chiến lược đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, DCA áp dụng như thế nào và thực hiện với loại tài sản nào để có thể mang lại thành công lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Trong phạm trù bài viết này, mình sẽ so sánh ưu và nhược điểm của việc DCA cổ phiếu và DCA quỹ cổ phiếu. Cái nào sẽ là chiến lược tốt nhất dành cho bạn?

DCA là gì?

Theo Wikipedia, DCA (Dollar Cost Averaging) là phương pháp đầu tư trung bình giá thấp, tức là mua thêm cổ phiếu hay quỹ khi thị trường giảm.

Thuật ngữ này lần đầu tiên được đặt ra bởi Benjamin Graham trong cuốn sách Nhà đầu tư thông minh do ông làm tác giả. Bằng cách này, nhà đầu tư mua được nhiều cổ phiếu hơn khi thị trường ở mức thấp và nhà đầu tư sẽ có một mức giá mua trung bình thấp hơn hoặc ở một vị thế nắm giữ tốt hơn so với giá trị thật của doanh nghiệp.

Khi thị trường tăng, giá cổ phiếu của doanh nghiệp tăng lên thì nhà đầu tư sẽ thu lợi tốt hơn.

Hình ảnh mô phỏng về DCA
Hình ảnh mô phỏng về DCA

DCA cổ phiếu tiềm ẩn rủi ro cao

Với DCA cổ phiếu, nhà đầu tư chỉ nên DCA khi thị giá cổ phiếu rẻ hơn so với tiềm năng tăng trưởng của cổ phiếu đó. Bạn có thể sử dụng chỉ số P/E  để định giá cổ phiếu có hấp dẫn hay chưa (hoặc bạn có thể dùng cách định giá khác).

Với chiến lược này, mặc dù thời gian đầu chưa cho thấy kết quả liền nhưng đến khi giá thị trường của cổ phiếu về đúng giá trị doanh nghiệp thì nhà đầu tư sẽ thu về lợi nhuận rất lớn, thường là vào giai đoạn thị trường uptrend. Có thể tính đến chu kỳ vài năm là chuyện bình thường.

Tuy nhiên, thử đặt lại câu hỏi là nếu bạn DCA nhầm cổ phiếu không có giá trị nội tại tốt thì sao? Để một kế hoạch DCA cổ phiếu thành công thì bạn cần thỏa mãn ít nhất 3 yếu tố:

  • Phân tích để chọn đúng cổ phiếu
  • Lựa chọn thời điểm mua thích hợp
  • Tin tưởng và nắm giữ cho tới khi giá cổ phiếu tăng mạnh.

Nhưng việc phân tích một cổ phiếu, một doanh nghiệp và đánh giá đúng giá trị thật hay tiềm năng của nó đòi hỏi nhiều kiến thức lẫn kinh nghiệm, công việc này thường được thực hiện bởi các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Nếu không đánh giá đúng và chọn sai cổ phiếu dẫn đến kết quả giá cổ phiếu không tăng ngay cả khi thị trường chứng khoán tăng mạnh, hoặc giá cổ phiếu giảm và không bao giờ tăng trở lại (có thể do yếu tố ngành hay năng lực quản trị của ban lãnh đạo…). Câu chuyện hàng ngàn nhà đầu tư “khóc ròng” vì ôm cổ phiếu FLC hay ROS là một minh chứng rõ ràng nhất cho việc không phải cứ ôm cổ phiếu lâu là tốt.

Khi áp dụng phương pháp DCA vào đầu tư cổ phiếu, Nhà đầu tư dễ rơi vào trường hợp “bắt dao rơi”. Vậy còn trường hợp nếu bạn đang đầu tư vào chứng chỉ quỹ cổ phiếu và thực hiện DCA thì nó sẽ như thế nào?

DCA Quỹ cổ phiếu đảm bảo thắng lợi

So với DCA cổ phiếu thì DCA Quỹ cổ phiếu sẽ an toàn và chắc thắng hơn. Bởi Quỹ thường nắm giữ một danh mục cổ phiếu được các chuyên gia giàu kinh nghiệm chọn lọc kỹ càng, khi thị trường chứng khoán tăng thì giá trị danh mục của Quỹ chắc chắn tăng theo.

Nhà đầu tư có thể DCA Quỹ cổ phiếu khi thấy P/E của thị trường xuống thấp hơn so với các giai đoạn trước. Chẳng hạn, P/E thị trường xuống dưới mức 11 có thể coi là mức tốt với thị trường chứng khoán Việt Nam, tùy điều kiện của nền kinh tế. Vấn đề này đã có chuyên gia của công ty quản lý phân tích thay bạn.

Bản chất của nền kinh tế luôn diễn biến theo xu hướng tốt lên, nên xét về dài hạn, một danh mục lớn bao gồm các cổ phiếu đầu ngành sẽ mang về lợi nhuận hấp dẫn khi thị trường bước vào giai đoạn tăng trưởng.

Một trong những lợi thế mà bạn dễ thấy nhất là DCA quỹ cổ phiếu giúp bạn phân tán được rủi ro. Ngay cả khi một vài mã cổ phiếu không khả quan cũng không làm ảnh hưởng nhiều đến tổng thể kết quả đầu tư. Do Quỹ không được nắm một cổ phiếu lớn hơn 20% giá trị danh mục (cái này theo quy định).

Để dễ hình dung, thì đầu tư vào chứng chỉ quỹ tức là bạn đang tận dụng kinh nghiệm và chuyên môn của các chuyên gia quản lý quỹ để giúp bạn gia tăng giá trị tài sản. Các chuyên gia quỹ này sẽ thực hiện việc phân tích, đánh giá các chỉ số kinh tế, diễn biến thị trường, doanh nghiệp tiềm năng để nắm bắt cơ hội đầu tư. Tại những thời điểm biến động, quỹ mở cũng quản lý rủi ro tốt hơn.

Một lợi thế nữa là bạn chỉ cần số tiền rất nhỏ, tối thiểu 100.000 đồng để bắt đầu DCA quỹ cổ phiếu trong khi DCA cổ phiếu cần có số tiền lớn hơn. Vì để mua được 100 cổ phiếu lô chẵn của một cổ phiếu nào đó có giá 20.000 đồng/cổ phiếu chẳng hạn thì bạn cần ít nhất 2.000.000 đồng cho một lần mua.

Việc lựa chọn DCA cổ phiếu hay DCA Quỹ còn phụ thuộc vào mục tiêu tài chính, khẩu vị rủi ro của mỗi nhà đầu tư. Tuy nhiên, những nhà đầu tư có đủ kiên nhẫn và lòng tin vào chiến lược này sẽ gặt hái được “quả ngọt”.

So sánh DCA cổ phiếu và DCA quỹ cổ phiếu

Ở đây, mình có làm một bản so sánh về những ưu điểm nổi trội khi DCA quỹ cổ phiếu với DCA cổ phiếu.

Yếu tố so sánhDCA cổ phiếuDCA quỹ cổ phiếu
Yêu cầu kiến thức và kinh nghiệm phân tích cổ phiếuKhông
Theo dõi tình hình doanh nghiệp như ban lãnh đạo, yếu tố ngành…Không
Khả năng mất thanh khoản khi bánKhông
Khi thị trường tăng, giá có tăng trở lạiCó thể khôngLuôn luôn
Số tiền muaLớnChỉ từ 100K
Bảng so sánh khi bạn DCA cổ phiếu và DCA quỹ cổ phiếu

Nếu như những so sánh các tiêu chí bên trên vẫn chưa thuyết phục được bạn thì ở dưới đây mình có dẫn chứng kết quả đầu tư của các chứng chỉ quỹ so với giá cổ phiếu của các doanh nghiệp đầu ngành.

So sánh mức tăng trưởng của cổ phiếu với các chứng chỉ quỹ

So sánh mức tăng trưởng chứng chỉ quỹ so với giá cổ phiếu

Tóm lại, đầu tư vào chứng chỉ quỹ cũng có rủi ro về giảm giá giống như đầu tư cổ phiếu nhưng nếu bạn tuân thủ theo các nguyên tắc của DCA quỹ cổ phiếu trong dài hạn thì khả năng thua lỗ gần như bằng 0. Do đó, nếu như bạn là một người không có nhiều kinh nghiệm về phân tích, về xây dựng danh mục đầu tư thì tốt nhất bạn nên để việc đó cho người làm tốt hơn.

Nhà đầu tư chuyên nghiệp trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán tại Việt Nam. Rất mong là với những kiến thức mà mình chia sẻ có thể giúp được phần nào cho những nhà đầu tư mới.

Đăng ký
Notify of
guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận