Trong phiên giao dịch ngày 14.07.2023 với tin đồn đệ đơn xin phá sản của hãng hàng không Bamboo Airways. Mình xin viết một vài góc nhìn cá nhân về việc đầu tư chứng khoán theo tin đồn cũng như phân tích lợi và hại nếu như bạn đi theo trường phái đầu tư này.
Nội dung bài viết
Đầu tư theo tin có phải là một trường phái đầu tư?
Đầu tiên, chúng ta hãy cũng tìm hiểu xem đầu tư theo tin có phải là một trường phái đầu tư hay không? Mình cũng không rõ là nó có được xem là một trường phái đầu tư hay không nhưng rõ ràng có một lượng rất lớn nhà đầu tư đang đi theo kiểu đầu tư theo tin tức này.
Họ mua khi tin đồn tốt xuất hiện và họ bán khi tin đồn xấu được đưa ra. Có nhiều nhà đầu tư cũng kiếm được rất nhiều tiền theo cách đầu tư này và đương nhiên cũng có nhiều nhà đầu tư mất tiền với những tin đồn vớ vẫn.
Lợi ích khi đâu tư chứng khoán theo tin tức
Lợi nhuận nhanh chóng
Nếu tin đồn chứng khoán chính xác, bạn có thể tận dụng thông tin đó để đầu tư vào một cổ phiếu hoặc thị trường có tiềm năng tăng giá đột biến. Khi giá cổ phiếu tăng, bạn có thể bán ra và thu được lợi nhuận nhanh chóng.
Với một tin tức tốt, rõ ràng bạn rất dễ dàng kiếm được 10% sau vài ngày, thậm chí nếu bạn có những tin tức mang tính chất sống còn của doanh nghiệp thì bạn có thể x lần tài khoản dễ dàng. Điển hình như các tin tức liên quan đến khu đất Phước Kiểng của QCG…
Điểm vào và ra hợp lý
Tin đồn chứng khoán có thể cung cấp cho bạn một gợi ý về thời điểm tốt nhất để mua vào hoặc bán ra một cổ phiếu. Nếu bạn có thể xác định được đúng thời điểm này, bạn có thể tận dụng lợi thế cạnh tranh trong thị trường chứng khoán.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam mình thì mọi người hay nói rằng tin tốt ra thì bán mà tin xấu ra thì mua. Bạn thấy nó có hợp lý không?
Tăng cơ hội đầu tư
Cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán không phải luôn có, đặc biệt là các cơ hội tốt. Nhưng với kiểu mau bán cổ phiếu dựa trên tin đồn, bạn có thể tìm ra các cơ hội đầu tư mới liên tục từ các hội nhóm. Điều này có thể giúp bạn liên tục mở lệnh mới liên tục, đúng như cách hoạt động của các tin tức, nhanh đến và nhanh quên.
Rủi ro khi đầu tư chứng khoán theo tin đồn
Tin đồn không chính xác
Một số tin đồn chứng khoán có thể không có cơ sở hoặc được lan truyền một cách không đáng tin cậy. Điều này có thể khiến bạn đưa ra quyết định sai lầm trong đầu tư, dẫn đến mất tiền hoặc thiệt hại tài chính.
Rủi ro tài sản
Nếu bạn đầu tư theo tin đồn không chính xác, bạn có thể mua vào hoặc bán ra cổ phiếu với cái giá không tưởng tượng được. Vì tin tức thường làm cho nhà đầu tư quyết định một cách nóng vội. Điều này có thể gây mất mát tài sản và ảnh hưởng đến khả năng tài chính của bạn.
Chưa kể nếu bạn chưa biết cách phân bổ vốn thì điều đó có thể làm cho bạn không còn vốn để thực hiện các giao dịch tiếp theo.
Thiếu chiến lược đầu tư
Đầu tư chứng khoán chỉ dựa trên tin đồn có thể dẫn đến việc thiếu một chiến lược đầu tư cụ thể. Điều này có thể làm mất đi khả năng đánh giá và phân tích cơ bản và kỹ thuật của một công ty hoặc thị trường, gây thiệt hại lâu dài cho các quyết định đầu tư của bạn.
Hậu quả pháp lý
Nếu bạn lan truyền hoặc tận dụng tin đồn gây ảnh hưởng đáng kể đến thị trường chứng khoán một cách không đúng đắn, bạn có thể gặp phải hậu quả pháp lý, như xử phạt hoặc hành động dân sự. Và ở thị trường chứng khoán Việt Nam thì điều này không phải là chưa từng có tiền lệ.
Cần làm gì để tránh bị tin đồn dắt mũi
Biết rõ là thế, nhưng làm sao để tránh được đâu là tin tức giả mạo để tránh bị dắt mũi. Rất đơn giản, chỉ cần bạn hiểu được bản chất của doanh nghiệp thì bạn sẽ không phải bị cảm xúc chi phối mà bạn sẽ sử dụng ý trí.
Như vầy nhé, giờ mình sẽ quay lại câu chuyện về tin đồn phá sản của hãng hàng không Bamboo Airways. Cổ phiếu STB bị mang ra bán tháo, có lúc trong phiên giảm kịch sàn nhưng cuối phiên lại có lực bắt lên lại.
Giờ chúng ta phân tích, Sacombank cho Bamboo Airways vay đâu đó khoản 3.000 tỷ đồng. Nếu như tin đồn đó là đúng thì rõ ràng 3.000 tỷ rất có khả năng bị chuyển thành nợ xấu. Với một doanh nghiệp bình thường thì 3.000 tỷ đồng rất lớn nhưng đối với một ngân hàng thì con số này chỉ là muỗi so với con số 440.000 tỷ đồng mà nhà băng này đang cho vay.
Chưa kể khoản cho vay tại các ngân hàng đa số đều có tài sản đảm bảo để thế chấp cho khoản vay, có thể tài sản đảm bảo là bất động sản, cổ phiếu, hàng hóa… và chúng có thể thanh lý được. Cùng lắm chia ra để trích lập dự phòng 1 – 2 năm là xong.
Nếu như bạn hiểu được bản chất như vậy thì các tin đồn thất thiệt như thế không thể khiến bạn bán tháo cổ phiếu STB trong phiên 14.07.2023 được.
Các tin đồn điển hình trên thị trường chứng khoán
Tin đồn về sự mua lại công ty
Tin đồn này cho rằng một công ty sẽ bị mua lại hoặc sáp nhập với một công ty khác. Việc này có thể gây ra sự tăng giá đột biến của cổ phiếu trong ngắn hạn.
Tin đồn về sản phẩm, dịch vụ mới
Các tin đồn này có thể nói về việc công ty sẽ phát triển hoặc tung ra sản phẩm, dịch vụ mới có tiềm năng lớn. Những tin đồn này có thể tạo ra sự tăng giá tạm thời của cổ phiếu. Ở chứng khoán Việt Nam thì ít có các tin đồn như này, vì doanh nghiệp sản xuất có vốn hóa lớn ít hơn so với các quốc gia phát triển.
Tin đồn về khủng hoảng tài chính hoặc vấn đề pháp lý
Những tin đồn này thường liên quan đến các vấn đề tài chính, pháp lý hoặc tiêu cực xảy ra với một công ty. Tin đồn này có thể gây ra sự giảm giá cổ phiếu và làm mất niềm tin của nhà đầu tư.
Tin đồn về sự thay đổi lãnh đạo
Các tin đồn này liên quan đến việc thay đổi trong ban lãnh đạo của công ty. Tin đồn về việc một CEO mới hoặc một nhóm quản lý mới sẽ đến có thể tạo ra sự biến động trong giá cổ phiếu.
Tin đồn về thỏa thuận thương mại
Các tin đồn này liên quan đến những diễn biến trong thỏa thuận thương mại, chẳng hạn như các cuộc đàm phán thương mại giữa các quốc gia hoặc thỏa thuận thương mại giữa các công ty. Tin đồn về những tiến triển trong thỏa thuận có thể gây ra biến động lớn trên thị trường chứng khoán.
Tin đồn bắt bớ
Chứng khoán Việt Nam mà thiếu tin đồn bắt bớ thì mất vui. Chưa rõ là ở các nước khác có hay xuất hiện các tin đồn như này không nhưng đây được coi là bữa ăn mỗi ngày của các chứng chỉ. Đặc biệt là trong bối cảnh lãnh đạo Đảng đang có những động thái rất quyết liệt để làm trong sạch thị trường.
Bạn là gà hay là thóc?
Giờ bạn dành khoản 30s ra để suy ngẫm thử thời gian qua bạn là gà hay là thóc trước những tin đồn trên thị trường chứng khoán.
Có thể bạn có nhiều nguồn tin tốt, bạn nhanh chóng cho mình là gà nhưng rồi gà cũng bị thịt như thường bởi con người. Hay nói đúng hơn người ở đây là những đội nhóm thao túng thị trường chứng khoán. Họ biết cách tạo hội nhóm, biết cách đặt bài viết trên các trang báo, biết bạn đang nghĩ gì…
Và chứng khoán Việt Nam vẫn chưa thể nào đạt đến trạng thái của lý thuyết thị trường hiệu quả được.