Cách định giá cổ phiếu

Top 10 cách định giá cổ phiếu phổ biến nhất hiện nay

Mình tin chắc rằng ở đây có rất nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán đã lâu nhưng vẫn chưa biết cách định giá một cổ phiếu là như thế nào? Định giá cổ phiếu mặc dù là một công việc hết sức khó khăn và đòi hỏi những người có chuyên môn mới làm được.

Nhưng đối với mình, chỉ cần bạn thích đầu tư và muốn tìm tòi về chứng khoán thì nó không khó như bạn nghĩ đâu. Trong khía cạnh bài viết này, mình sẽ trình bày 9 cách định giá một cổ phiếu một cách chi tiết và cặn kẽ nhất sao cho người chưa biết gì vẫn có thể hình dung ra được.

Tại sao bạn cần phải định giá cổ phiếu?

Việc định giá một cổ phiếu là việc làm cực kỳ quan trọng và đầu tiên nhất khi bạn quyết định mua một mã cổ phiếu nào đó. Đơn cử như việc bạn thấy một doanh nghiệp nào đó rất tốt, doanh thu tốt, lợi nhuận tốt, ban lãnh đạo cũng tốt luôn nhưng giá cổ phiếu trên thị trường nó đã phản ánh những cái đó chưa.

Việc bạn nhìn ra thì người khác cũng nhìn ra, quan trọng là chúng ta dự phóng các số liệu trong tương lai nó như thế nào để đưa ra mức định giá hợp lý. Và mức định giá mà chúng ta định giá ra phải cao hơn giá cổ phiếu trên thị trường thì may ra chúng ta mới quyết định mua.

Hơn nữa, khi thị trường gấu bắt đầu xuất hiện như giai đoạn nữa đầu năm 2022 thì phân tích cơ bản, cho ra mức định giá hợp lý sẽ là thứ để bạn bám víu đặt niềm tin vào doanh nghiệp, tiếp tục nắm giữ cổ phiếu.

Top 10 cách định giá cổ phiếu phổ biến hiện nay

1. Định giá cổ phiếu theo phương pháp P/E

Chúng ta sẽ bắt đầu với phương pháp định giá cổ phiếu cơ bản và sơ khai nhất. Chỉ cần bạn biết cộng trừ nhân chia là có thể làm được. Đó là định giá cổ phiếu theo phương pháp P/E.

1.1 Chỉ số P/E là gì?

Chỉ số P/E là viết tắt của Price To Earning Ratio. P/E là chỉ số thể hiện mối liên hệ giữa giá của cổ phiếu với thu nhập trên mỗi cổ phiếu. Hay nói cách khác là bạn sẵn sàng trả giá bao nhiêu dựa trên thu nhập lợi nhuận của doanh nghiệp làm ra cho mỗi cổ phiếu.

1.2 Công thức tính chỉ số P/E

    \[ P/E=\frac{Price}{EPS} \]

Trong đó,

  • Price là giá thị trường của cổ phiếu đó.
  • EPS là thu nhập trên mỗi cổ phiếu. Lấy miễn phí tại các chuyên trang tài chính như CafeF, Vietstock.

1.3 Định giá cổ phiếu theo phương pháp P/E như thế nào?

Để dễ hình dung mình sẽ lấy một ví dụ minh họa cổ phiếu Vinamilk (Mã CK: VNM) để định giá mã cổ phiếu này.

Các chỉ số tài chính của VNM trên CafeF
Các chỉ số tài chính của VNM trên Vietstock

Như hình bên trên mình lấy lại CafeF, ta có các số liệu như sau:

  • P/E là 15,98
  • EPS là 4.517

Áp theo công thức như trên ta định giá cổ phiếu VNM = 15,98 * 4.517 = 72.181,66. Như vậy, với chỉ số P/E, EPS như trên thì ta có mức định giá của cổ phiếu VNM là 72.200 đồng/cổ phiếu.

1.4 Mức tỷ lệ P/E bao nhiêu là hợp lý

Để biết được mức P/E bao nhiêu là hợp lý thì chúng ta phải xét nó trên các nguyên tắc cơ bản sau:

  • Tỷ lệ P/E càng thấp thì càng có lợi cho nhà đầu tư khi mua cổ phiếu. Tuy nhiên, khi P/E quá thấp thì bạn phải cân nhắc đến vấn đề là nội tại của doanh nghiệp đó thật sự không tốt nên chỉ số P/E cho ra kết quả không cao.
  • So sánh chỉ số P/E của doanh nghiệp này với các doanh nghiệp cùng ngành xem nó như thế nào, có cao quá so với các doanh nghiệp đó không. Như ở ví dụ trên thì chúng ta nên so sánh với P/E với các doanh nghiệp nằm trong ngành sữa. Hoặc muốn đơn giản hơn thì so với chỉ số  P/E ngành đó, lưu ý là chúng ta nên loại trừ ra các doanh nghiệp làm số liệu quá ảo để ảnh hưởng đến kết quả định giá.
  • So sánh chỉ số P/E của chính nó trong quá khứ. Nếu được bạn nên so sánh trong 5 năm hoặc 10 năm gần nhất.

2. Định giá cổ phiếu bằng phương pháp P/B

Tương tự như phương pháp định giá P/E thì phương pháp định giá cổ phiếu theo P/B cũng như vậy. 

2.1 Chỉ số P/B là gì?

P/B là viết tắt của Price to Book, tức là nó sẽ cho chúng ta biết rằng giá cổ phiếu hiện tại đang gấp bao nhiêu lần (hoặc ít hơn) so với giá trị sổ sách của cổ phiếu đó theo báo cáo tài chính.

2.2 Công thức tính chỉ số P/B

    \[ P/B\ =\ \frac{P}{BVPS} \]

Trong đó,

  • P là giá của cổ phiếu trên thị trường.
  • BVPS = Tổng giá trị tài sản – Giá trị tài sản vô hình – Nợ

2.3 Định giá cổ phiếu theo phương pháp P/B

Các chỉ số tài chính của VNM trên CafeF
Các chỉ số tài chính của VNM trên Vietstock

Cũng ví dụ về VNM, giá của cổ phiếu nếu tính theo phương pháp P/B ta có:

Định giá VNM = 4,31 * 16.736 = 72.132,16 đồng

2.4 Hạn chế của phương pháp P/B

Do phương pháp định giá theo P/B thì tính dựa trên các số liệu hữu hình của doanh nghiệp nên chúng ta không thể tính được các tài sản vô hình của doanh nghiệp như lợi thế cạnh tranh, đội ngũ nhân sự hoặc các bằng sáng chế độc quyền.

Do đó, chúng ta khi định giá cổ phiếu theo P/B thì nên xét thêm chỉ số ROE của doanh nghiệp. Với ROE chúng ta có thể biết được với một đồng vốn làm ra họ kiếm được bao nhiêu phần % lợi nhuận. ROE càng cao chứng tỏ doanh nghiệp có nhiều lợi thế cạnh tranh so với đối thủ.

3. Định giá cổ phiếu với phương pháp P/S

Đối với các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thì chúng ta không thể đơn thuần định giá cổ phiếu theo P/E hoặc P/B được mà chúng ta sẽ dùng một chỉ số khác là P/S.

3.1 Chỉ số P/S là gì?

Chỉ số P/S là chỉ số dùng để đo lường nhà đầu tư trả bao nhiêu tiền để đổi lại một đồng doanh thu của doanh nghiệp. Viết tắt của chữ Price/Sales per Share.

3.2 Công thức chỉ số P/S

Hiện nay một số công ty chứng khoán đã hiện thêm chỉ số P/S bên cạnh các thông tin cơ bản của doanh nghiệp. Nếu bạn muốn tự mình tính toán chỉ số P/S thì có thể áp dụng công thức sau:

Trong đó,

  • Vốn hóa thị trường = Giá cổ phiếu * Số lượng cổ phiếu đang lưu hành
  • Doanh thu thuần bạn có thể lấy bảng báo cáo tài chính của doanh nghiệp hoặc trên các website tài chính có tổng hợp như CafeF hoặc Vietstock. (như hình bên dưới)
Vốn hóa thị trường của cổ phiếu HPG
Vốn hóa thị trường của cổ phiếu HPG
Doanh thu thuần của HPG

Như vậy, tính theo công thức thì ta có P/S = 127.343,81/149.679,79 = 0,85. Tức là bạn đang bỏ ra một đồng để mua giá cổ phiếu và kỳ vọng nó sẽ mang lại 0,85 đồng doanh thu.

4. Định giá cổ phiếu theo phương pháp PEG

4.1 Chỉ số PEG là gì?

PEG là viết tắt của từ Price Earnings to Growth, với PEG thì ta có thể định giá cổ phiếu dựa trên tốc độ tăng trưởng giá của cổ phiếu đó trong quá khứ và dự phóng nó trong tương lai.

4.2 Công thức tính PEG là gì?

    \[ PEG=\frac{PE}{G} \]

Trong đó,

  • PE là chỉ số P/E của doanh nghiệp.
  • G là tốc độ tăng trưởng trong tương lai của cổ phiếu.

4.3 Ví dụ định giá cổ phiếu FPT

  • Chỉ số P/E hiện tại của FPT là 19.64
  • Chúng ta dự phóng giá cổ phiếu FPT sẽ tăng bình quân 20%/năm.

Lúc này ta có PEG = 19.64/20 = 0.982. 

4.4 Vậy chỉ số PEG bao nhiêu là tốt?

Chúng ta nên lưu ý rằng khi mua cổ phiếu là chúng ta đang mùa sự kỳ vọng tăng trưởng trong tương lai chứ không phải những gì đã xảy ra trong quá khứ. Do đó, chúng ta sẽ có 3 trường hợp đối với chỉ số PEG:

  • Chỉ số PEG < 1: Giá cổ phiếu đang được định giá thấp hơn so với giá trị thực tế của doanh nghiệp. Bạn có thể mua vào mã cổ phiếu với phương pháp định giá theo PEG.
  • Chỉ số PEG = 1: Giá cổ phiếu đang được định giá đúng với giá trị thực tế của doanh nghiệp. Bạn có thể mua vào nếu doanh nghiệp còn nhiều dư địa tăng trưởng trong tương lai.
  • Chỉ số PEG > 1: Giá cổ phiếu đang cao hơn giá trị của doanh nghiệp. Hay nói cách khác là thị trường đang trả mức giá cao hơn so với giá mà doanh nghiệp có thể đạt được.

5. Định giá cổ phiếu theo phương pháp EV/EBITDA

5.1 Chỉ số EV/EBITDA có ý nghĩa gì?

Kết quả của EV/EBITDA cho chúng ta biết rằng chúng ta cần phải mất bao nhiêu năm để thu hồi vốn trong trường hợp EV/EBITDA không đổi.

5.2 Công thức tính EV/EBITDA là gì?

Công thức tính = EV/EBITDA

Trong đó,

  • EV là viết tắt của Enterprice Value, tức là giá trị doanh nghiệp. EV được tính theo công thức EV = Vốn hóa thị trường + Tổng nợ – Tiền mặt
  • EBITDA là viết tắt của Earnings Before Interest, Tax, Depreciation and Amortization, tức là lợi nhuận trước lãi, thuế và khấu hao. 
  • EBITDA = Lợi nhuận trước thuế + Lãi vay + Khấu hao.
  • Vốn hóa thị trường = Số lượng cổ phiếu đang lưu hành * Thị giá cổ phiếu tại thời điểm tính toán.
  • Tổng nợ = Nợ ngắn hạn + Nợ dài hạn
  • Lợi nhuận trước thuế = Lợi nhuận sau thuế + Thuế thu nhập doanh nghiệp.
  • Depreciation and Amortization là khấu hao, bao gồm cả khấu hao của tài sản hữu hình và khấu hao của tài sản vô hình.

5.3 Ví dụ tính toán EV/EBITDA thực tế

Chỉ sốSố liệu
Vốn hóa thị trường152,566.81
Tổng nợ17,482.28
Tiền mặt2,348.55
Lợi nhuận trước thuế12,922.23
Lãi vay88.80
Khấu hao2,366.87
Các số liệu được lấy trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp Vinamilk (VNM); Đơn vị: tỷ đồng; Nguồn CafeF.vn

Áp dụng vào công thức tính EV/EBITDA như trên cho ra kết quả như sau:

  • EV = 152,566.81 + 17,482.28 – 2,348.55 = 167,700.54
  • EBITDA = 12,922.23 + 88.80 + 2,366.87 = 15,377.9
  • EV/EBITDA = 167,700.54/15,377.9 = 10.9

Tức là, nếu đầu tư vào cổ phiếu của VNM thì bạn sẽ mất khoảng 10.9 năm để hoàn lại vốn, trong trường hợp các số liệu của doanh nghiệp là không đổi qua các năm. Nếu số liệu tài chính được cải thiện tốt hơn thì thời gian thu hồi vốn sẽ nhanh hơn.

5.4 Lưu ý khi sử dụng phương pháp định giá cổ phiếu bằng EV/EBITDA

  • Nên sử dụng EV/EBITDA với các phương pháp định giá khác để cho ra kết quả tối ưu nhất.
  • Nên sử dụng EV/EBITDA của 5 năm trong quá khứ để so sánh hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp đó.
  • Huyền thoại nhà đầu tư Warren Buffett cho rằng EV/EBITDA là thứ vớ vẩn, các chủ doanh nghiệp sẽ tìm cách làm bóng bẩy các chỉ số này và ông không quan tâm đến các chỉ số này trên báo cáo tài chính. Đặt biệt, ông cho rằng khấu hao đang làm giảm giá trị của doanh nghiệp.

6. Định giá cổ phiếu bằng chiết khấu dòng cổ tức (DDM)

Khác với những người đầu cơ kỳ vọng kiếm tiền từ việc tăng giá của cổ phiếu thì người đầu tư lại kỳ vọng khá nhiều về cổ tức nhận được từ doanh nghiệp. Do đó, khi định giá cổ phiếu họ sẽ xét về lịch sử trả cổ tức của công ty cũng như kế hoạch trả cổ tức của công ty như thế nào trong những năm tiếp theo.

6.1 Hưởng cổ tức 1 giai đoạn

    \[ V_{0} =\frac{D_{1}}{( 1+r)^{1}} +\frac{P_{1}}{( 1+r)^{1}} =\frac{D_{1} +P_{1}}{( 1+r)^{1}} \]

Trong đó,

  • V0 là giá của cổ phiếu tại ngày hôm nay.
  • D1 là cổ tức kỳ vọng trên mỗi cổ phiếu tại ngày t=1.
  • P1 là giá kỳ vọng của mỗi cổ phiếu tại ngày t=1.
  • r là tỷ suất lợi nhuận yêu cầu trên mỗi cổ phiếu.

Ví dụ thực tế: Bạn mua một cổ phiếu A với cổ tức được chia kỳ vọng tại ngày t=1 là 2.000 đồng/cổ phiếu. Giá cổ phiếu kỳ vọng tại thời điểm đó là 50.000 đồng/cổ phiếu. Tỷ suất lợi nhuận yêu cầu là 8%.

Vậy giá cổ phiếu tại ngày hiện tại có giá = (2.000 + 50.000) / (1 + 8%) ^ 1 = 48.150 đồng

Nếu thị giá của cổ phiếu thấp hơn con số bạn tính ra thì có thể cân nhắc mua mã cổ phiếu này, còn nếu thị giá của cổ phiếu cao hơn mức bạn tính ra thì mình nghĩ là bạn không nên mua nếu định giá cổ phiếu theo phương pháp chiết khấu dòng cổ tức (DDM)

6.2 Hưởng cổ tức nhiều giai đoạn

Nếu như cách ở trên bạn chỉ nhận cổ tức một lần rồi bán cổ phiếu đó ra thì với công thức tính bên dưới đây bạn sẽ tiếp tục nắm giữ và nhận thêm nhiều đợt cổ tức khác nữa.

    \[ V_{0} =\sum _{t=1}^{n}\frac{D_{t}}{( 1+r)^{t}} +\frac{P_{n}}{( 1+r)^{n}} \]

Trong đó,

  • V0 là giá của cổ phiếu tại ngày hôm nay t =0
  • Dn là cổ tức kỳ vọng mỗi năm trên mỗi cổ phiếu tại ngày t=n.
  • Pn là giá kỳ vọng của mỗi cổ phiếu tại ngày t=n.
  • r là tỷ suất lợi nhuận yêu cầu trên mỗi cổ phiếu.

Ví dụ thực tế: Cũng ví dụ trên nhưng nhà đầu tư sẽ giữ cổ phiếu trong 4 năm và lịch trả cổ tức dự kiến của doanh nghiệp A như sau:

  1. Năm 1: 2.000 đồng/cổ phiếu
  2. Năm 2: 3.000 đồng/cổ phiếu.
  3. Năm 3: 2.500 đồng/cổ phiếu.
  4. Năm 4: 3.500 đồng/cổ phiếu.

Giá bán kỳ vọng của cổ phiếu tại năm thứ 4 là 100.000 đồng, tỷ suất lợi nhuận yêu cầu là 9%. Lúc này ta có:

    \[ V_{0} =\frac{2.000}{( 1+9\%)^{1}} +\frac{3.000}{( 1+9\%)^{2}} +\frac{2.500}{( 1+9\%)^{3}} +\frac{3.500}{( 1+9\%)^{4}} +\frac{100.000}{( 1+9\%)^{4}} =79.612\ đ \]

Do đó, giá cổ phiếu tại thời điểm hiện tại được định giá theo công thức chiết khấu dòng cổ tức là 79.612 đồng.

7. Định giá cổ phiếu bằng chiết khấu dòng tiền vốn chủ sở hữu (FCFE)

7.1 Phương pháp FCFE là gì?

Phương pháp định giá này sẽ giải quyết được bài toán có một số doanh nghiệp không thường xuyên trả cổ tức. Với phương pháp định giá FCFE thì ta có thể đánh giá được dòng tiền tự do mà cổ đông có thể nhận được sau khi trừ đi các yêu cầu về đầu tư và chi phí tài chính của công ty từ việc đi vay.

7.2 Công thức tính FCFE là gì?

FCFE = Lợi nhuận sau thuế + Chi phí phi tiền mặt – Chi phí vốn – Thay đổi vốn lưu động + Thay đổi nợ

Nhược điểm của phương pháp này là không tính được nếu doanh nghiệp đó có dòng tiền âm đối với các doanh nghiệp có chi phí vốn vay khá nhiều.

8. Định giá cổ phiếu bằng phương pháp chiết khấu dòng tiền doanh nghiệp (FCFF)

8.1 Phương pháp định giá FCFF là gì?

Mô hình này đánh giá trực tiếp dòng tiền tự do mà các nhà đầu tư (bao gồm cổ đông và chủ nợ) có thể nhận được sau quá nhìn hoạt động của doanh nghiệp trong tương lai.

8.2 Công thức tính FCFF là gì?

FCFF = Lợi nhuận sau thuế + Chi phí phi tiền mặt + Chi phí lãi vay * (1-t) – Thay đổi vốn – Thay đổi vốn lưu động

9. Định giá cổ phiếu theo công thức Benjamin Graham

9.1 Benjamin Graham là ai?

Benjamin Graham (1894 – 1976) là một nhà kinh tế học, doanh nhân. Nhưng người ta biết đến ông nhiều hơn ở vai trò là nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Graham được coi như là người khai sinh ra trường phái đầu tư giá trị.

Ông đã cùng David Dodd xuất bản cuốn sách nổi tiếng là Phân tích chứng khoán (Security Analysis) vào năm 1928.

Học trò của Benjamin bao gồm: Warren Buffett, William J. Ruane, Irving Kahn, Walter J. Schloss và những người khác.

9.2 Công thức chuẩn của Benjamin Graham

V = EPS x (8.5 + 2g)

Trong đó:

  • V là giá trị của cổ phiếu đang cần tính.
  • EPS là thu nhập trên 1 cổ phiếu sau thuế lũy kế 12 tháng gần nhất
  • 8.5 là tỷ lệ P/E ước tính của 1 cổ phiếu có tốc độ tăng trưởng thu nhập 0%, đây là con số mặc định trong công thức.
  • g là tỷ lệ tăng trưởng kép bình quân trong 7 – 10 năm tới của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, sau đó chính ông Benjamin đã chỉnh sửa lại công thức của mình cho hợp lý hơn:

V = EPS * (8.5 + 2g) * 4,4 / y

Trong đó,

  • 4,4 là tỷ suất thu hồi vốn
  • y là lãi suất trái phiếu doanh nghiệp xếp hạng AAA 20 năm.

9.3 Nhược điểm của công thức định giá theo Benjamin Graham

  • Chúng ta đang định giá cổ phiếu Việt Nam nên không thể lấy lãi suất trái phiếu doanh nghiệp 20 năm của Mỹ được. Do đó, bạn có thể thay thế lại bằng lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Việt Nam + 0,5%.
  • EPS sẽ không chính xác nếu như doanh nghiệp đang cố xào nấu kết quả báo cáo tài chính cho bóng bẫy. Để khắc phục tình trạng này, bạn nên tính thêm EPS giai đoạn dài hơn từ 5 – 10 năm để cho ra kết quả chính xác hơn.
  • Tỷ lệ tăng trưởng của doanh nghiệp cũng là một con số mà bạn đáng quan tâm. Nếu không chắc về tỷ lệ tăng trưởng của doanh nghiệp như thế nào thì bạn có thể xem các báo cáo của các công ty chứng khoán.

10. Định giá cổ phiếu kết hợp cổ tức và tốc độ tăng trưởng

Công thức định giá này được tạo ra bởi 2 nhà đầu tư nổi tiếng là Peter Lynch & John Neff:

V = (R + G) / PE > 1.5

Trong đó:

  • R là tỷ suất cổ tức (%); chúng ta lấy cổ tức bằng tiền chia cho giá cổ phiếu hiện tại.
  • G là tốc độ tăng trưởng dài hạn (%);
  • PE là chỉ số P/E của cổ phiếu.

Ví dụ: Giá cổ phiếu hiện tại là 40.000 đồng, cổ tức bằng tiền là 30%, cụ thể là 3.000 đồng/cp (tương đương 7,5% thị giá cổ phiếu). Tốc độ tăng trưởng dự kiến của doanh nghiệp là 7%/năm, EPS là 5.000 đồng.

Áp dụng công thức ta có: (7,5+7)/8 = 1,8125 > 1,5. Như vậy, cổ phiếu này đang có một mức giá hợp lý có thể mua được.

5 bước quan trọng để định giá cổ phiếu của doanh nghiệp

Thời gian cần thiết: 1 ngày

5 bước quan trọng để định giá cổ phiếu của một doanh nghiệp bất kỳ.

  1. Bước 1 – Hiểu về doanh nghiệp

    Đầu tiên bạn phải hiểu về doanh nghiệp mà bạn phân tích. Ví dụ như doanh thu của doanh nghiệp đến từ những nguồn nào, các yếu tố nào ảnh hưởng đến doanh nghiệp và các đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp đó nó như thế nào.

  2. Bước 2 – Ước lượng về kết quả kinh doanh

    Đầu tư chứng khoán không phải là cuộc chơi của cảm xúc mà cần phải có niềm tin. Niềm tin được thể hiện qua các số liệu về kết quả kinh doanh. Bạn có thể ước lượng về kết quả kinh doanh của công ty trước khi đưa nó vào mô hình định giá.

  3. Bước 3 – Lựa chọn mô hình định giá phù hợp

    Có vô vàng phương pháp định giá khác nhau, mỗi doanh nghiệp sẽ phù hợp với một phương pháp định giá khác nhau. Đặc biệt là một số ngành nghề có tính chất đặc thù như chứng khoán hoặc ngân hàng.

  4. Bước 4 – Chuyển đổi ước lượng thành dữ liệu đầu vào

    Bạn nên có những ước lượng cụ thể đầu vào cho từng tình huống khác nhau cho doanh nghiệp. Kịch bản tốt nhất của doanh nghiệp thì sao, kịch bản xấu nhất thì sao, thận trọng thì như thế nào. Có như thế chúng ta mới lường trước được những tình huống của doanh nghiệp.

  5. Bước 5 – Cho ra kết quả định giá

    Luôn nhớ rằng, định giá cổ phiếu là cho ra một khoảng giá trị từ X đến Y. Không phải là một con số cụ thể nào đó.

Lấy kết quả định giá cổ phiếu ở đâu?

Nếu như bạn không phải là một nhà phân tích chuyên nghiệp thì mình khuyên các bạn nên sử dụng các định giá của các công ty chứng khoán. Phần lớn các báo cáo phân tích này đều đến từ các bạn phân tích có chuyên môn và được đào tạo trường lớp.

Lưu ý là đội ngũ phân tích định giá khác với đội ngũ môi giới của công ty chứng khoán.

5 yếu tố ảnh hưởng đến giá của cổ phiếu

  • Sự phát triển của nền kinh tế

Hiện nay hầu hết các quốc gia đều thực hiện chính sách mở cửa và giao thương kinh tế với thế giới. Do đó, giá cổ phiếu của doanh nghiệp chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi các yếu vĩ mô của nền kinh tế của chính quốc gia đó và đến từ bên ngoài quốc gia.

  • Tình hình chính trị

Những bất ổn về chính trị sẽ khiến cho doanh nghiệp đang kinh doanh tại quốc gia đó gặp nhiều khó khăn. Nên giá của cổ phiếu sẽ bị tác động ít nhiều bởi các sự kiện như thế. Ví dụ như tâm lý của nhà đầu tư sẽ không có niềm tin đầu tư vào một môi trường địa chính trị bất ổn, nên sẽ không tiếp tục mua cổ phiếu.

  • Quy luật cung cầu

Dĩ nhiên rồi! Cung cầu sẽ tạo nên thanh khoản của thị trường, cung thắng thì giá giảm và cầu thắng thì giá cổ phiếu sẽ tăng. Không chỉ riêng thị trường chứng khoán mà các thị trường kinh doanh mặt hàng truyền thống ở ngoài cũng vận hành theo quy luật cung cầu.

  • Báo cáo tài chính của công ty

Kết quả của doanh nghiệp như thế nào đều được phản ánh lên báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Một công ty có mô hình kinh doanh rõ ràng, doanh thu tăng trưởng ổn định, lợi nhuận bền vững sẽ ảnh hưởng tốt đến giá của cổ phiếu.

  • Tâm lý nhà đầu tư

Thị trường chứng khoán là một môi trường cực kỳ nhạy cảm. Chỉ cần một tin tức xấu không đủ cơ sở cũng khiến cho giá cổ phiếu lao dốc. Cùng một tin tức nhưng sẽ có người nhận định tích cực và ngược lại. Chính yếu tố đó sẽ khiến giá cổ phiếu trở nên khó lường hơn.

Kết luận

Cùng với một tờ giấy trắng, một bộ màu, một chủ đề nếu đưa cho 5 họa sĩ khác nhau sẽ cho ra 5 bức tranh khác nhau. Do đó, đừng đòi hỏi tất cả các cách định giá cổ phiếu đều phải cho ra kết quả giống nhau và tuyệt đối.

Chỉ cần bạn hiểu doanh nghiệp, tin vào những luận điểm đầu tư trong tương lai và một kết quả định giá hợp lý là bạn đã có thể chọn được cổ phiếu tốt để đầu tư rồi.

Nhà đầu tư chuyên nghiệp trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán tại Việt Nam. Rất mong là với những kiến thức mà mình chia sẻ có thể giúp được phần nào cho những nhà đầu tư mới.

Đăng ký
Notify of
guest

0 Bình luận
Mới nhất
Cũ nhất Nhiều bình chọn nhất
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận