16 cung bậc cảm xúc khi đầu tư chứng khoán

16 cung bậc cảm xúc mà nhà đầu tư nào cũng phải trải qua

Dạo gần đây mình cứ lân la mấy group trên Facebook thì gặp rất nhiều trường hợp than vãn, trách móc rồi thậm chí chửi cả chủ tịch công ty. Tuy nhiên, không có gì lạ lẫm đối với mình cả vì nó cũng là một trong 16 cảm xúc của nhà đầu tư khi đầu tư chứng khoán.

16 cung bậc cảm xúc trong đầu tư chứng khoán
16 cung bậc cảm xúc trong đầu tư chứng khoán

Giai đoạn 1: Nghi ngờ

Đây là giai đoạn cổ phiếu vừa mới tăng nhẹ sau thời gian dài tích lũy. Nhiều nhà đầu tư cũng muốn mua vùng giá này tuy nhiên còn nghi ngờ. Không biết rằng mã cổ phiếu này có thật sự tăng giá hay không nên còn chần trừ chưa muốn mua ngay mà chờ thêm.

Giai đoạn 2: Hy vọng

Một vài nhà đầu có nhiều kinh nghiệm và theo dõi mã cổ phiếu này đủ lâu. Họ có cơ sở để mua vào các cổ phiếu như thế này và hy vọng nó sẽ tăng giá trong tương lai gần.

Giai đoạn 3: Lạc quan

Sau khi cổ phiếu tăng mạnh và được xác minh bởi khối lượng giao dịch trong ngày. Càng ngày có nhiều người mua cổ phiếu này hơn. Họ vô cùng lạc quan với các triển vọng sắp tới của doanh nghiệp.

Giai đoạn 4: Niềm tin

Lúc này, những người mua trước đó thì tiếp tục đặt trọn niềm tin vào doanh nghiệp. Họ sẽ cố gắng tìm các điểm tốt của doanh nghiệp để đi nói với bạn bè và những người xung quanh về mã cổ phiếu này.

Giai đoạn 5: Cảm xúc

Các tin tức liên tục được đưa ra, mang lại cảm xúc hạnh phúc cho nhà đầu tư. Thật ra những tin tức này đã được biết đến trước đó rất lâu rồi nhưng báo chí cứ nhai đi nhai lại các nội dung này. Chắc chắn là có ý đồ. Nhiều người sẽ nhảy vào đầu tư giai đoạn này vì nghĩ rằng mình là người biết đầu tiên các thông tin đó.

Giai đoạn 6: Hưng phấn

Từ giai đoạn cảm xúc đến giai đoạn hưng phấn rất ít nhưng nhiều nhà đầu tư mới mua vào ở giai đoạn trước cảm thấy mình thông minh vì mua mã cổ phiếu xong có lợi nhuận liền. Sau đó, họ lại tiếp tục đi khoe lãi, lần này không chỉ khoe lãi cho những người xung quanh mà họ còn khoe cả trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok…

Các nhà đầu tư lão làng  sẽ nhận ra vấn đề và thoát hàng ở giai đoạn này.

Giai đoạn 7: Thỏa mãn

Thị trường bắt đầu chùn xuống nhưng những nhà đầu tư F0 không thể nhận ra được các vấn đề ở giai đoạn này, vẫn còn rất thỏa mãn với thị trường lắm. Họ vẫn còn tin tưởng vào doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp lắm. Tại cái họ biết đầu tiên về doanh nghiệp này là những tin tức tốt trên mặt báo. 

Giai đoạn 8: Lo ngại, băn khoăn

Thị trường bắt đầu giảm, tài khoản của họ cũng bắt đầu giảm theo. Họ sẽ bắt đầu có những lo ngại, băn khoăn về những quyết định của mình. 

Giai đoạn 9: Từ chối, chối bỏ

Tài khoản thì lỗ mỗi ngày một lớn nhưng họ từ chối cắt lỗ và chối bỏ đi sự thật là cổ phiếu đang trong giai đoạn phân phối. Họ đinh ninh rằng đây chỉ là sự điều chỉnh nhẹ của thị trường. Nếu tiếp tục giữ thì cổ phiếu sẽ tăng trở lại thôi.

Giai đoạn 10: Sợ hãi

Giá cổ phiếu tiếp tục lao dốc, lúc này họ mới thật sự sợ hãi. Họ sẽ đi hỏi người này người kia về mã cổ phiếu này, nhờ sự tư vấn là có nên tiếp tục giữ nữa hay không. Thậm chí họ không còn tâm trí đâu để làm việc.

Giai đoạn 11: Tuyệt vọng

Nhiều người cho lời khuyên là hãy cắt lỗ đi làm họ chìm trong sự tuyệt vọng. Tuy nhiên, lúc này cũng chưa dám hành động vì mã cổ phiếu đã âm nhiều quá rồi. Tài khoản âm 50 – 60%, âm đến mức mà không thể cắt lỗ được nữa.

Giai đoạn 12: Hoảng loạn

Giai đoạn phân phối của cổ phiếu diễn ra rất nhanh, tài khoản tiếp tục âm. Nhiều người dùng thêm margin sẽ rơi vào trạng thái call margin. Nhiều người hoảng loạn quá phải bán bất chấp bằng mọi giá. Càng bán thì giá cổ phiếu lại càng giảm thêm nữa.

Giai đoạn 13: Xem xét lại tài sản

Lúc này họ mới chấp nhận rằng họ đã mua sai và bắt đầu xem xét lại tài sản của mình. Có thể họ sẽ nạp thêm tiền để mua trung bình giá ở giai đoạn này. Tuy nhiên, mua trung bình giá giai đoạn này là đang bắt dao rơi.

Giai đoạn 14: Tức giận

Vừa nạp thêm tiền để mua trung bình giá thì giá lại tiếp tục giảm làm cho nhà đầu tư cảm thấy vô cùng tức giận. Điển hình của giai đoạn này là họ lên các cộng đồng để chửi công ty, chửi chủ tịch.

Giai đoạn 15: Chán nản

Sau khi chửi xong rồi không còn nơi nào để chửi nữa thì họ bắt đầu than vãn, chán nãn. Lúc này, thay vì khoe lời như trước đó thì họ lại tiếp tục khoe lỗ của bản thân.

Giai đoạn 16: Mất niềm tin

Lúc này họ sẽ hạn chế nhắc đến chứng khoán nữa, không còn các câu ca than vãn hay chửi rủa nữa. Họ mất niềm tin hoàn toàn vào cổ phiếu đó, mất niềm tin hoàn toàn vào thị trường. Họ quyết định bán hết những gì mình đang có và rời bỏ thị trường. Khi ai đó nhắc lại thì họ chỉ nói là “không dễ để kiếm tiền đâu.”

Khi nào thì nên mua vào?

Khi nào thì nên mua cổ phiếu?
Khi nào thì nên mua cổ phiếu?

Nếu các bạn quan sát kỹ thì thấy nhà đầu tư tay to chỉ xuất hiện bên trái của đồ thị, còn bên phải của đồ thị thì các cá con tự chơi tự sợ hãi với nhau. Họ sẽ mua vào khi nhà đầu tư mất niềm tin và rời bỏ thị trường và sẽ bán ra khi người ta đang hưng phấn.

Nhà đầu tư chuyên nghiệp trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán tại Việt Nam. Rất mong là với những kiến thức mà mình chia sẻ có thể giúp được phần nào cho những nhà đầu tư mới.

Đăng ký
Notify of
guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận