Cơ cấu danh mục đầu tư chứng khoán

5 bước cơ cấu danh mục đầu tư đang lỗ mà không nộp tiền

Hôm rồi có một bạn nhắn nhờ mình cơ cấu một danh mục đầu tư mà có đến tận 20 mã cổ phiếu. Bất ngờ hơn là cả 20 mã này đều đang trong trạng thái lỗ. Tất nhiên là không phải bạn ấy mua một lần mà trải qua nhiều lần mua. Mấy mã lời thì bạn ấy đã chốt hết còn mã lỗ thì với tâm lý chờ về bờ rồi mới bán chứ không chịu cắt lỗ. Cứ như thế nó cộng dồn lên tận 20 mã cổ phiếu.

Không chỉ riêng bạn này gặp trường hợp như thế này mà hầu như những nhà đầu tư mới khi tham gia thị trường đều tồn tại tư duy không bao giờ chịu cắt lỗ. Đương nhiên là bạn ấy cũng sai luôn trong việc xây dựng một danh mục đầu tư đúng nghĩa ngay từ ban đầu.

Tuy nhiên, ở đây mình sẽ không nói đúng sai mà mình sẽ tiến hành cơ cấu danh mục đầu tư này như thế nào? Nói trước đây là cách cơ cấu này là theo quan điểm cá nhân của mình, không có tính đúng hoặc sai. Ai cảm thấy thích hợp thì có thể áp dụng.

Bước 1: Phân nhóm cho danh mục

Với danh mục có 20 mã lỗ thì việc đầu tiên mà nhà đầu tư làm là phải phân loại chúng theo từng nhóm. Ở đây, mình sẽ phân nhóm cổ phiếu theo ngành.

Tất cả các mã cổ phiếu nào cùng một ngành thì các bạn gom lại thành cùng một nhóm. Ví dụ như các mã cổ phiếu thuộc Ngân hàng thì gom lại thành 1 nhóm, Bất động sản thì gom lại thành một nhóm.

Sau khi thực hiện xong bước 1, mình tin chắc danh mục 20 mã của bạn sẽ được phân loại ra tầm 4 – 5 nhóm ngành.

Bước 2: Tìm ra cổ phiếu nổi trội

Bước này cực kỳ quan trọng, có thể cần thêm sự tư vấn của người có kinh nghiệm hoặc nếu như bạn tự tin về khả năng của mình thì có thể tự làm.

Đó là trong mỗi nhóm ngành, các bạn cần phải tìm ra được cổ phiếu nổi trội nhất. Các bạn có thể dựa vào yếu tố sau:

  • Cổ phiếu nào có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai nhất?
  • Cổ phiếu nào có lợi thế cạnh tranh nhiều hơn so với những mã còn lại trong nhóm?
  • Cổ phiếu nào đang được định giá hấp dẫn hơn so với các mã khác?

Sau khi tìm được cổ phiếu mạnh rồi thì tạm gác chúng sang một bên và thực hiện bước tiếp theo.

Bước 3: Cắt lỗ cổ phiếu yếu

Đương nhiên rồi, phải cắt lỗ cổ phiếu yếu trong mỗi nhóm thôi. Đừng lo, bạn còn cổ phiếu mạnh trong ngành đó mà lo gì. Nếu như dòng đó nó có chạy lại thì bạn vẫn còn mã trong danh mục để tăng trưởng.

Đúng ra theo nguyên tắc xây dựng danh mục đầu tư ngay từ đầu là bạn đã không nên mua nhiều mã cổ phiếu trong cùng một ngành rồi. Việc mua nhiều mã trong cùng một ngành không phải là cách đa dạng hóa danh mục đầu tư.

Bước 4: Trung bình giá vốn cổ phiếu mạnh

Trung bình giá vốn cổ phiếu mạnh
Trung bình giá vốn cổ phiếu mạnh

Sau khi cắt lỗ cổ phiếu yếu ở thì bạn sẽ vơi ra được một số tiền nhất định. Không rút nó về nhé, cũng không tìm mã cổ phiếu khác để mua. Thay vào đó, bạn hãy quan sát xem các cổ phiếu mạnh mà ở bước 2 bạn đã tìm ra.

Nếu nó về vùng hỗ trợ hãy dùng tiền đó để mua trung bình giá vốn cổ phiếu đó. Lúc này cổ phiếu mạnh sẽ được giảm giá vốn, khi thị trường quay trở lại. Chỉ cần tăng giá nhẹ thì bạn đã có thể về bờ rồi thay vì để mức lỗ ban đầu và nằm im chờ về thì hơi lâu.

Các bạn có thể vẽ đường xu hướng hoặc các đường MA để biết cổ phiếu nào về vùng hỗ trợ. Đây là cách đơn giản cho những ai không chuyên, còn nếu bạn giỏi trong phân tích kỹ thuật thì có thể tự dùng phương pháp của bản thân.

Bước 5: Tiếp tục theo dõi

Danh mục đầu tư ban đầu bạn có 20 mã cổ phiếu với tỷ lệ lỗ cao thì lúc này bạn chỉ còn 4 – 5 mã cổ phiếu mà thôi, tỷ lệ âm cũng giảm hẵn mặc dù tiền cần nộp thêm tiền. Dễ quan sát và theo dõi hơn rồi đúng không?

Có thể bạn sẽ sai trong tương lai ngắn hoặc dài hạn. Nên bạn cần phải liên tục theo dõi các cổ phiếu trong danh mục để nếu có những thông tin gì bất lợi có thể kịp thời xử lý.

Bạn nào còn phương pháp cơ cấu nào hay khác có thể để lại bình luận bên dưới cho mọi người học hỏi nhé!

Nhà đầu tư chuyên nghiệp trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán tại Việt Nam. Rất mong là với những kiến thức mà mình chia sẻ có thể giúp được phần nào cho những nhà đầu tư mới.

Đăng ký
Notify of
guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận