Chỉ tính riêng từ đầu năm 2022, đã có 8 sự kiện kinh tế chính trị trong và ngoài nước nhưng đã ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Khi đối mặt với các sự kiện như thế, mình thấy phần lớn các nhà đầu tư đều bán tháo cổ phiếu trên sàn. Nhưng đó không phải là cách giải quyết của một nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Nội dung bài viết
Các sự kiện kinh tế – chính trị nổi bật đầu năm 2022
Để mình liệt kê một vài sự kiện tiêu biểu diễn ra trong những tháng đầu năm 2022:
- Vào ngày 10.12.2021, Tân Hoàng Minh trúng đấu giá lô đất Thủ Thiêm sau khi trả giá lên đến 24.500 tỷ đồng cho một lô đất có diện tích 10.000 m2.
- Ngày 10.01.2022, nhà đầu tư phát hiện ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC bán chui 74,8 triệu cổ phiếu. Thu lợi bất chính gần 500 tỷ đồng. Nhắc lại là cũng trong ngày hôm đó, bảng điện sàn HoSE bị lỗi.
- Ngày 11.01.2022 ông Đỗ Anh Dũng – Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh viết tâm thư xin đơn phương bỏ cọc.
- Ngày 24.02.2022, Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông Ukraine.
- Ngày 29.03.2022, Chủ tịch Tập đoàn FLC – Ông Trịnh Văn Quyết bị bắt.
- Ngày 31.03.2022, hàng loạt lãnh đạo của Sở giao dịch TP.HCM, Ủy ban chứng khoán nhà nước bị kỷ luật vì thiếu trách nhiệm.
- Ngày 03.04.2022, 9 lô phát hành trái phiếu của Tân Hoàng Minh bị bắt buộc hủy bỏ.
- Ngày 05.04.2022, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị bắt.
Bạn hãy thử nghĩ lại xem là với chuỗi các sự kiện kể trên, bạn đã hành động như thế nào đối với danh mục của mình.

Phản ứng thường gặp của nhà đầu tư không chuyên
Phần đông những nhà đầu tư chứng khoán mới vào thị trường khi nghe động tĩnh về các tin tức xấu việc đầu tiên họ làm là bán hết tất cả các danh mục đầu tư của mình. Người nào tâm lý vững vàng lắm thị hạ tỷ lệ cho vay ký quỹ (margin) về mức an toàn. Sau đó, đợi thị trường phản ứng như thế nào rồi họ mới có những hành động tiếp theo.
Nói đúng hơn là họ sẽ ngồi xem thị trường dòng tiền đổ về đâu thì những nhà đầu tư không chuyên sẽ bắt đầu mua những mã cổ phiếu đó. Tuy nhiên, cách này sẽ làm bạn bị lỡ nhịp so với thị trường vì những mã cổ phiếu được hưởng lợi từ sự kiện đó chắc chắn sẽ được người khác mua và đẩy giá lên cao.
Nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ phản ứng như thế nào?
Những nhà đầu tư chuyên nghiệp khi đối diện với một sự kiện lớn việc đầu tiên họ làm không phải là mua mua bán bán trên sàn giao dịch. Mà các nhà đầu tư này sẽ ngồi lại và phân tích sự việc đó. Họ sẽ xem với sự kiện này thì nó sẽ ảnh hưởng đến các mã cổ phiếu nào? Một danh sách các mã cổ phiếu bị ảnh hưởng sẽ được liệt kê ra.
Sau đó, các nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ phân loại các mã cổ phiếu đó ra 2 nhóm:
- Nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ sự kiện đó và tích cực bao nhiêu %.
- Nhóm cổ phiếu bị ảnh hưởng tiêu cực từ sự kiện đó và mức độ ảnh hưởng của nó.
Lúc này, mới đến giai đoạn mua – bán trên sàn chứng khoán. Những mã cổ phiếu nào bị ảnh hưởng tiêu cực sẽ được bán đi hoặc giảm tỷ trọng đầu tư trong danh mục. Còn những mã cổ phiếu nào được hưởng lợi sẽ được giữ lại trong danh mục và cân nhắc mua thêm.
Việc giữ lại các cổ phiếu hưởng lợi trong danh mục tức là bạn đã tận dụng tốt chi phí cơ hội của mình. Tránh trường hợp bán đi rồi không còn cơ hội mua lại những mã cổ phiếu này nữa.
Ví dụ về một sự kiện cụ thể
Ví dụ 1: Sự kiện Chiến sự Nga – Ukraine
Rõ ràng sự kiện này với những người lập luận tốt sẽ liệt kê ra các mã cổ phiếu được hưởng lợi là nhóm cổ phiếu dầu khí. Chiến sự leo thang, giá dầu chắc chắn sẽ tăng cao, các doanh nghiệp đang có dự trữ dầu lớn hoặc khai thác dầu khí ở Việt Nam sẽ được hưởng lợi.
Ngược lại, sự kiện này chắc chắn sẽ tiếp nối một số lệnh cấm vận làm cho chuỗi cung ứng đứt gãy. Các nhóm ngành liên quan đến logistics, cảng biển sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Ví dụ 2: Sự kiện Trịnh Văn Quyết bị bắt
Sau khi báo chỉ đăng tải thông tin ông Trịnh Văn Quyết bị bắt thì đương nhiên là nhóm cổ phiếu liên quan đến họ FLC và các mã cổ phiếu mang tính chất đầu cơ giống như FLC sẽ bị giảm sàn. Sau đó, nhiều nhà đầu tư không chuyên lại tiếp tục bán tháo các mã cổ phiếu của các ngân hàng đang cho tập đoàn này vay.
Tuy nhiên, các nhà phân tích chuyên nghiệp họ cũng liệt kê ra những mã cổ phiếu ngân hàng và nhận thấy rằng tỷ trọng cho vay của tập đoàn này so với tổng dư nợ cho vay của ngân hàng chỉ là hạt cát trên sa mạc. Nhân lúc thị trường bị bán tháo nhóm cổ phiếu ngân hàng thì họ sẽ dành một ít tỷ trọng ra để bắt đáy.
Thị trường đỏ là cơ hội cho những gã lắm tiền
“Hãy sợ hãi khi người khác tham lam và tham lam khi người khác sợ hãi” là câu nói của Warrent Buffett. Những gã lắm tiền luôn chờ đợi cơ hội những lúc thị trường đỏ lửa sẽ bắt đầu giải ngân. Nếu như một mã cổ phiếu nào đó giảm 50% thì để về lại ban đầu cổ phiếu đó phải tăng trưởng 100%.
Rõ ràng, các sự kiện lớn trên thị trường chứng khoán luôn thường trực và sẵn sàng được công bố rộng rãi lên báo chí. Các nhà đầu tư nên chuẩn bị cho mình những phương pháp, cách phản ứng riêng với tin tức, sự kiện mỗi ngày. Việc có thói quen của một nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ giúp bạn tận dụng tốt được những cơ hội trên thị trường chứng khoán. Cơ hội luôn tồn tại trong các sự kiện như thế.